Khánh Hòa: Nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên ở huyện miền núi Khánh Vĩnh

Khánh Hòa: Nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên ở huyện miền núi Khánh Vĩnh

Những năm qua, tại tỉnh Khánh Hòa, công tác khảo sát tạo nguồn để phát triển đảng viên của huyện miền núi luôn được quan tâm, làm tốt. Tuy nhiên, trong nửa nhiệm kỳ 2020 -2025, công tác phát triển đảng viên của huyện Khánh Vĩnh còn rất nhiều khó khăn.

Khánh Hòa: Nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên ở huyện miền núi Khánh Vĩnh ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa với Huyện ủy Khánh Vĩnh về công tác phát triển đảng. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Tính đến hết tháng 6/2023, Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh có 44 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 16 đảng bộ và 28 chi bộ cơ sở với 1.721 đảng viên. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Khánh Vĩnh đặt ra mục tiêu kết nạp 440 đảng viên. Các cấp ủy cơ sở đã chủ động giao chỉ tiêu phát triển đảng đến từng chi bộ trực thuộc để triển khai thực hiện. Tuy nhiên nhiều Đảng bộ cấp xã trong huyện đạt kết quả thấp, như: Sông Cầu: kết nạp 2 đảng viên/25 chỉ tiêu, Cầu Bà: 6 đảng viên/20 chỉ tiêu, Khánh Thượng: 6 đảng viên/20 chỉ tiêu, Khánh Hiệp: 4 đảng viên/30 chỉ tiêu…

Bà Tô Thị Thanh Vân, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Đông cho biết: địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển đảng viên, bố trí thời gian linh hoạt trong công tác sinh hoạt đảng. Tuy nhiên, công tác thẩm tra, xác minh lý lịch cho quần chúng trước khi kết nạp đảng hết sức khó khăn. Lực lượng trưởng thôn của xã chủ yếu lớn tuổi, chưa là đảng viên. Trong khi đó, người trẻ không có nhu cầu làm trưởng thôn nên công tác vận động, tuyên truyền khó khăn. "Sáu tháng còn lại của năm 2023, chúng tôi sẽ cố gắng để hoàn thành kết nạp các đảng viên đã hoàn hiện hồ sơ. Thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ chú trọng vào các đối tượng là con của các đảng viên để phát triển đảng viên”, bà Tô Thị Thanh Vân cho biết.

Xã Cầu Bà ở tình trạng tương tự trong việc phát triển đảng viên. Bà Ca Thị Ni, Bí thư Đảng ủy xã Cầu Bà thông tin, kinh phí để làm công tác xác minh lý lịch cho các quần chúng rất lớn nên địa phương gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nguồn thông tin trong lý lịch do quần chúng khai báo chưa chuẩn xác nên công tác xác minh tại các địa phương mất thời gian, hiệu quả chưa cao.

Khánh Hòa: Nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên ở huyện miền núi Khánh Vĩnh ảnh 2Đại diện Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh phát biểu về những khó khăn trong công tác phát triển đảng tại Khánh Vĩnh. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Trong khi đó, ở xã Khánh Thượng có 98% dân số là người dân tộc thiểu số. Do đó, quá trình viết hồ sơ, lý lịch quần chúng cũng là một trở ngại lớn. Lực lượng nguồn để phát triển đảng viên có nhiều ở các trường học chưa được quan tâm, phát triển kịp thời. “Chúng tôi đang khó khăn trong việc phát triển lực lượng này và cần được hỗ trợ tháo gỡ trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng nói.

Ông Mấu Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh cho biết: Nhiệm kỳ 2020 -2025, công tác phát triển đảng viên được quan tâm. Đến tháng 6/2023, toàn huyện phát triển đảng viên đạt 51,14% chỉ tiêu đặt ra. Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Huyện ủy Khánh Vĩnh quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra.

Trong thời gian có dịch COVID -19, công tác phát triển đảng viên bị chững lại. Bên cạnh đó, từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6/2023 vẫn còn một vài cấp ủy cơ sở chưa tập trung tạo nguồn từ các đối tượng trong các ngành Y tế, Giáo dục; chưa phân bổ chỉ tiêu phát triển đảng cụ thể cho các chi bộ trực thuộc. Ở các xã Cầu Bà, Liên Sang, Sơn Thái, các trưởng phó đầu ngành, hội đoàn thể chưa vào Đảng. Các chi bộ cơ sở thuộc khối cơ quan và lực lượng vũ trang hầu hết đều không còn nguồn để phát triển đảng viên.

Nguyên nhân được đưa ra là một số cấp ủy cơ sở chưa tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động và tạo nguồn phát triển đảng viên, đặc biệt là đối với các địa bàn đặc thù về tôn giáo như: Cầu Bà, Liên Sang, Giang Ly, Sơn Thái… Một bộ phận quần chúng chưa nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đứng vào hàng ngũ của Đảng. Việc thực hiện quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên đôi lúc chưa kịp thời, cấp ủy cơ sở còn lúng túng trong việc hướng dẫn và thẩm minh lý lịch. Đa số đơn vị kinh tế tư nhân đóng trên địa bàn huyện là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số lượng lao động ít, chủ yếu làm việc theo hợp đồng lao động ngắn hạn.

“Nhiều Bí thư chi bộ đã lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo hoặc trưởng thôn chưa là đảng viên nên thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong công tác vận động, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân. Đây cũng là một khó khăn lớn ở các Đảng bộ địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Mấu Văn Phi thông tin.

Khánh Hòa: Nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên ở huyện miền núi Khánh Vĩnh ảnh 3Ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Ngày 12/7, tại buổi làm việc, kiểm tra về công tác phát triển đảng viên tại huyện Khánh Vĩnh, ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhận định, công tác này ở Khánh Vĩnh có tín hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra. Kết quả phát triển đảng viên trong nửa nhiệm kỳ này còn thấp. Một số Đảng ủy địa phương trong huyện Khánh Vĩnh vẫn chưa nắm sâu sát tình hình phát triển đảng tại địa phương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị các cấp ủy Đảng huyện Khánh Vĩnh quan tâm thực tiễn phát triển đảng viên tại địa phương. Người đứng đầu các cấp ủy Đảng phải đi thực địa, động viên và hỗ trợ, tháo gỡ cho người dân. Thanh niên là lực lượng dễ tiếp cận, tuyên truyền vận động, do đó, cần xây dựng nguồn từ sớm và phát triển đối tượng này thật tốt...

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm