Khánh Hòa: Dành trên 468 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Mây trôi lơ lững trên những thung lũng với những ngôi nhà bé xinh dưới chân đồi của huyện miền núi Khánh Sơn. Ảnh: TTXVN phát
Mây trôi lơ lững trên những thung lũng với những ngôi nhà bé xinh dưới chân đồi của huyện miền núi Khánh Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, tỉnh xác định cụ thể giai đoạn 1 (2021 – 2025) sẽ dành trên 468 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình này.

Khánh Hòa: Dành trên 468 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1Mây trôi lơ lững trên những thung lũng với những ngôi nhà bé xinh dưới chân đồi của huyện miền núi Khánh Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Mục tiêu của Khánh Hòa trong chương trình là thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước; phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (28 triệu đồng/người/năm); giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Theo đó, các khoản đầu tư được tập trung sử dụng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em…

Trong tổng số nguồn vốn nói trên, có hơn 376 tỷ đồng là ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Khánh Hòa, phần còn lại là ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn khác. Việc đầu tư dựa trên nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các xã, thôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số khó khăn nhất; phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Khánh Hòa sẽ chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, ngành; phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Trong khi đó, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh" với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo.

Tỉnh Khánh Hòa có 2 huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh cùng một số xã miền núi thuộc thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh với tổng số 28 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Khánh Hòa có 35 dân tộc thiểu số sinh sống với trên 72.000 người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Raglay chiếm trên 77%. Tỉnh có gần 6.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 58,9% số hộ nghèo toàn tỉnh.

Tiên Minh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm