Khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản tranh dân gian Hàng Trống

Khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản tranh dân gian Hàng Trống

Chiều 6/7, Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” đã diễn ra tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Sự kiện do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với các nhà sưu tập tranh, nghệ nhân tranh dân gian và nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” tổ chức.

Khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản tranh dân gian Hàng Trống ảnh 1Công chúng thưởng lãm các tác phẩm tại triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống”. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Tham gia triển lãm có 38 tác phẩm tạo hình của 22 tác giả được thực hiện trên các chất liệu lụa, sơn mài, giấy dó, sơn dầu do các họa sĩ trẻ thực hiện lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống và 29 tranh dân gian Hàng Trống trên chất liệu giấy dó của Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, do Nhà sưu tầm Nguyễn Quang Trung cung cấp. Các tác phẩm phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Tinh hoa của tranh dân gian Hàng Trống và sáng tạo mới của các nghệ sĩ đương đại từ dòng tranh này đã gây ấn tượng đến người xem. Các tác phẩm được sắp đặt theo từng cặp, một bên là tác phẩm gốc của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và một bên tác phẩm mới đương đại lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc. Cách trưng bày này tạo nên một cuộc đối thoại giữa truyền thống và đương đại, giữa cũ và mới đầy thú vị.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, phụ trách dự án cho biết: “Đây là lần đầu tiên trưng bày dự án ở không gian di tích có tuổi đời 1.000 năm và rất phù hợp với dự án vì các tác phẩm lấy cảm hứng từ truyền thống. Chúng tôi vui vì góp công sức vào việc biến không gian di tích của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm đến về văn hóa, du lịch trong dịp này”.

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, mang đậm tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa của người Hà Nội xưa. Những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của dòng tranh này không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam mà còn gây ấn tượng sâu sắc với công chúng thế giới. Vì vậy, thông qua Triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn quảng bá hơn nữa nét đẹp của dòng tranh độc đáo này đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế. Đây cũng là dịp để giới thiệu sản phẩm nghệ thuật được kết tinh từ quá trình khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản tranh Hàng Trống nói riêng và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” được hình thành dựa trên những những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân, họa sĩ trong hành trình gìn giữ, phát huy dòng tranh này trong đời sống đương đại. Triển lãm cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay học hỏi kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cha ông”.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 31/7 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đinh Thuận

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm