Khai thác tiềm năng, để đưa vùng hồ Cấm Sơn thoát nghèo

Khai thác tiềm năng, để đưa vùng hồ Cấm Sơn thoát nghèo

Chúng tôi đến Cấm Sơn vào những ngày đầu đông giá rét. Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, ông Trần Ngọc Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Cấm Sơn cho biết: Dòng Cấm Sơn xuất phát từ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đến huyện Lục Ngạn bị chặn lại vào năm 1960 và trở thành "máy điều hòa không khí" khổng lồ cho huyện miền núi Lục Ngạn, đồng thời cung cấp nước tưới chính cho hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp ở hạ nguồn. Nhiều du khách chọn đến đây vào mùa hè bởi vì lúc đó không chỉ tránh được nắng nóng mà còn được chiêm ngưỡng cảnh sắc hồ Cấm Sơn. 

Một lớp học ghép của học sinh lóp hai và lóp ba trường Tiểu học Sơn Hải nằm trong vùng lòng hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Phương Hoa- TTXVN
Một lớp học ghép của học sinh lóp hai và lóp ba trường Tiểu học Sơn Hải nằm trong vùng lòng hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Phương Hoa- TTXVN

Khi biết chúng tôi muốn đi tìm hiểu xem người dân các xã vùng lòng hồ Cấm Sơn, vốn nổi tiếng "nghèo lâu" chuẩn bị đón Tết như thế nào? Phó Chủ tịch UBND xã Cấm Sơn Trần Ngọc Thoại cười: hôm nay trời không mưa, đường xuống lòng hồ mới làm nên dễ đi chứ hôm trời mưa thì việc đi lại rất vất vả vì đường lên dốc, xuống đèo...Theo ông Thoại, để làm được con đường mới vào hồ lãnh đạo UBND xã Cấm Sơn phải mất hàng tháng trời làm công tác dân vận để người dân hiến đất làm đường. 

Sau gần 1 giờ đánh vật với quãng đường dài hơn 10km cuối cùng chúng tôi cũng tới nơi. Anh Vy Văn Quí, chủ nhà hàng trên lòng hồ cho biết: ở xã này chỉ có gia đình anh mở nhà hàng phục vụ khách du lịch, tuy nhiên do đường sá đi lại khó khăn và không có chỗ lưu trú qua đêm nên khách du lịch chủ yếu đến rồi về trong ngày nên việc làm ăn gặp rất nhiều khó khăn. 

Rồi anh Quí vui vẻ đề nghị chúng tôi lên chiếc thuyền máy của gia đình để tham quan một vòng lòng hồ. Anh cười đùa bảo rằng biết đâu các nhà báo sau chuyến tham quan này lại có được tác phẩm để đời như nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác bài hát Hồ trên núi vào năm 1971 sau một chuyến đi thực tế đến hồ Cấm Sơn. 

Không chỉ có phong cảnh hữu tình, Cấm Sơn còn chứa đựng kho tàng văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay...rất phù hợp với phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Nhiều doanh nghiệp trong nước nhận thấy tiềm năng này và đã nhiều lần đến Cấm Sơn tìm hiểu và lập dự án đầu tư, thậm chí có một số dự án với số vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng, song đến nay vẫn chưa được triển khai. 

Bên cạnh đó, với diện tích mặt nước khoảng 2.500ha, vào mùa mưa có thể lên tới hơn 3000ha, cũng được coi là tiềm năng lớn của Cấm Sơn về nuôi trồng thủy sản. Nhiều nghiên cứu cũng khẳng định rằng hồ Cấm Sơn là môi trường sống thích hợp đối với nhiều loài thuỷ sản có giá trị cao như: tôm, cua, cá lăng, cá vược… đặc biệt là cá tầm. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án nuôi cá trên hồ Cấm Sơn, trong đó có dự án nuôi cá tầm, cá hồi, cá lồng... đều không mang lại hiệu quả như mong muốn. 

Nhờ khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ nên cây ăn quả trồng ở khu vực lòng hồ rất thơm ngon, trong đó quả vải là một ví dụ. Quả vải trồng ở đây bao giờ cũng ngon nhất "vương quốc vải thiều", nhưng do không vận chuyển kịp ra trung tâm huyện để bán vì đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên người dân nơi đây không dám mở rộng diện tích cây ăn quả. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết: trong những năm qua, huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ 13 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn để đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp hạ tầng thiết yếu hỗ trợ giảm nghèo như hệ thống điện, đường giao thông, kiên cố hoá trường lớp học, cứng hoá kênh mương, xây dựng trạm bơm…với tổng vốn trên 675 tỷ đồng. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống đáng kể, tuy nhiên tại các xã thuộc lòng hồ Cấm Sơn tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức trên 50%. 
Theo ông Năm, Lục Ngạn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn lần thứ XXIII và Đề án giảm nghèo đối với những xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, huyện chú trọng lồng ghép các chương trình; tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao... 


Hy vọng rằng với những chính sách hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương, cộng với chủ trương của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tiềm năng hồ Cấm Sơn sẽ được đánh thức. Qua đó, sẽ giúp người dân ở các xã trong vùng lòng hồ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay tại nơi được ví như "vịnh Hạ Long trên cạn" này./. 



Có thể bạn quan tâm