Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (xã Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nổi tiếng khắp cả nước và quốc tế với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và tinh xảo. Bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, họa sỹ ở làng nghề đã khắc họa hình tượng Bác Hồ trên nhiều tác phẩm đặc sắc, lưu giữ và quảng bá những hình ảnh mang tính biểu tượng của Người.
Ông Hoàng Đình Thuận, một người con của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã dành hơn 50 năm vẽ hàng ngàn bức chân dung Bác Hồ bằng chất liệu sơn mài. Ông chia sẻ: Vẽ Bác không chỉ đòi hỏi kỹ năng mà còn cần tình cảm và sự kính trọng sâu sắc. Mỗi bức tranh là sự kết hợp giữa kỹ thuật điêu luyện và tình yêu với Người. Với ông, từng nét vẽ là một hành trình để hiểu và truyền tải tinh thần của vị lãnh tụ vĩ đại đến với công chúng.
Ông Thuận tốt nghiệp Khoa Sơn mài tiểu thủ công nghiệp, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976 và bắt đầu sự nghiệp tại quê nhà, nơi có truyền thống hơn 300 năm làm nghề sơn mài. Niềm đam mê vẽ chân dung Bác Hồ của ông được hun đúc từ khi còn là sinh viên nhưng chỉ khi ông nhập ngũ năm 1979 tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam mới thôi thúc ông thực hiện. Trở thành một người lính, ông cảm nhận sâu sắc hơn hình ảnh Bác Hồ và đó cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho những tác phẩm của ông sau này. Giải ngũ, ông trở về Bình Dương và tiếp tục vẽ tranh. Trong suốt những năm 90 của thế kỷ XX, cũng là lúc nghề làm tranh sơn mài ở thời kỳ hoàng kim, ông Thuận đã nổi danh với những bức chân dung Bác Hồ tinh tế và có hồn.
Để có được tác phẩm đẹp nhất về Bác Hồ, ông Thuận đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm hàng trăm hình ảnh từ sách báo, bảo tàng và thư viện. Những bức tranh của ông không chỉ đẹp về kỹ thuật mà còn toát lên thần thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là đôi mắt sáng. Ông Thuận cho rằng, vẽ chân dung Bác Hồ khó nhất là làm sao để hình ảnh có hồn, thể hiện được sự sáng suốt và đức độ của Người, khó hơn cả là đôi mắt sáng, tinh nhanh... Có 2 bức tranh nổi tiếng của ông là "Bác Hồ hành quân" và "Bác Hồ ngồi ghế mây" được nhiều cơ quan, đơn vị đặt hàng để treo, làm quà biếu cho các đoàn khách quốc tế, ngoại giao.
Phó Chủ tịch UBND phường Tương Bình Hiệp Trương Thị Kiều Chinh cho biết, có rất nhiều người sáng tác tranh về Bác Hồ, nhưng tác phẩm của họa sỹ Hoàng Đình Thuận có đặc điểm rất riêng biệt khó có ai có thể so sánh được. Ông đã giữ được nét truyền thống, dùng chất liệu sơn ta vào sơn mài, đặc biệt thể hiện chân dung Bác Hồ rất có thần thái. Những bức chân dung Bác Hồ mà ông sáng tác không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Với tài năng, sự kính trọng sâu sắc đối với Bác Hồ, ông Hoàng Đình Thuận và những nghệ nhân trong làng đã và đang góp phần lưu giữ hình ảnh Người qua nghệ thuật sơn mài truyền thống, làm giàu thêm kho tàng văn hóa nghệ thuật của Việt Nam.
Ông Trần Lễ Trí cũng là một gương mặt tên tuổi, quen thuộc được du khách tìm đến đặt hàng. Với hơn 40 năm kinh nghiệm, ông Trí am tường kỹ thuật cẩn ốc trên tranh sơn mài. Bén duyên với nghề sơn mài từ khi còn rất trẻ, ông đã dành nhiều năm mài giũa kỹ năng và hoàn thiện tay nghề. Nghệ thuật cẩn ốc trên tranh sơn mài là kỹ thuật đòi hỏi sự tinh xảo và tỉ mỉ. Mỗi tác phẩm của ông đều toát lên vẻ đẹp lấp lánh, huyền ảo từ những mảnh ốc nhỏ được ghép lại, tạo nên nhiều bức tranh độc đáo và quý giá.
Ông Trí chia sẻ: Khi vẽ chân dung Bác Hồ luôn đòi hỏi độ chính xác cao do đó ngoài kĩ năng, người họa sỹ còn cần sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Để có những bức chân dung Bác Hồ chính xác và nhanh chóng thì việc in trên gỗ trước khi thực hiện các bước về sơn mài là cần thiết. Công nghệ in giúp đảm bảo độ chính xác cao trong các chi tiết, đặc biệt là đôi mắt và các đường nét trên khuôn mặt Bác. Sau khi có hình ảnh in, các nghệ nhân sẽ tiếp tục thực hiện những công đoạn sơn mài truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc. Vẽ chân dung Bác Hồ theo cách thức truyền thống sẽ cho ra những bức tranh đẹp và có giá trị nghệ thuật cao nhưng mất nhiều thời gian, chi phí cao hơn. Việc sử dụng công nghệ in không chỉ giúp giảm chi phí mà còn giúp các nghệ nhân tập trung vào công đoạn sơn mài tinh xảo.
Với kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về nghề sơn mài, ông Trần Lễ Trí đã đóng góp không nhỏ vào việc duy trì và phát triển làng nghề Tương Bình Hiệp. Những chia sẻ của ông giúp các nghệ nhân trẻ hiểu hơn về nghệ thuật sơn mài, mở ra hướng đi kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra những tác phẩm ấn tượng về Bác Hồ.
Các nghệ nhân, họa sỹ ở Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp luôn cần cù và sự tận tụy sáng tạo. Họ luôn chăm chỉ, tỉ mỉ đến từng chi tiết để tạo ra những tác phẩm hoàn hảo nhất. Đây là yếu tố then chốt giúp làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp giữ lửa và phát triển vững chắc./.
Dương Chí Tưởng