Kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa lợi thế của Bắc Kạn

Kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa lợi thế của Bắc Kạn

Chiều 7/11, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu và chuỗi các sự kiện như trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) 3-5 sao cấp tỉnh, nông sản an toàn, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa lợi thế của Bắc Kạn ảnh 1Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Minh Hoa, quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị kết nối cung cầu sẽ hình thành các thiết chế bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Bắc Kạn cũng như doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong cả nước kết nối và phát triển thị trường, mở rộng liên danh, liên kết. Tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa khẳng định, trong 5 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng các Nghị quyết, chính sách, đề án để triển khai thực hiện và đã có nhiều thay đổi. Có trên 100 sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn được thị trường đánh giá tốt, được tham gia các chuỗi cung ứng.

Sản phẩm hàng hóa Bắc Kạn bước đầu được ghi nhận và được công nhận thương hiệu, được tham gia các chuỗi cung ứng lớn như BigC, Vinmart; những sản phẩm chế biến mức độ cao như nghệ được quảng bá rộng rãi.

Ông Hoàng Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, miến dong Bắc Kạn với vùng nguyên liệu gần 500 ha bước đầu đã xuất khẩu được ra thị trường châu Âu. Cây nghệ trở thành cây tiềm năng, mang lại thu nhập cao cho người dân với diện tích gần 200 ha. Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn, tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn, Vi-cumax nano curcumin và Trịnh Năng cucurmin đạt sản phẩm OCOP...Ngoài ra, Bắc Kạn còn có các cây thế mạnh như chè; gạo Bao thai Chợ Đồn; gạo nếp thơm Khẩu nua lếch Ngân Sơn; cam, quýt Bắc Kạn; hồng không hạt, bí xanh thơm…

Kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa lợi thế của Bắc Kạn ảnh 2 Đại biểu tham quan nơi trưng bày các sản phẩm thuộc chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) của các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chúc mừng tỉnh Bắc Kạn có thương 107 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Bà Nga đề xuất, gắn sản phẩm du lịch với thương mại thông qua các sản phẩm đặc sản của Bắc Kạn, nhất là khi Bắc Kạn có vùng nguyên liệu sạch, hữu cơ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến để xây dựng thương hiệu nông sản Bắc Kạn phát triển bền vững hơn. Ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội doanh nhân OCOP Bắc Kạn đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ Hội Doanh nhân OCOP, Hợp tác xã để phát triển các sản phẩm OCOP, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, đối với Bắc Kạn ruộng đất còn manh mún, điều kiện khí hậu đặc biệt, nếu sản xuất các sản phẩm bình thường sẽ không sánh được với các tỉnh khác, nên phải sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Còn ông Hoàng Văn Hoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch HAH Việt Nam cho biết, các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn "đuối" về bao bì, mẫu mã. Là doanh nghiệp thu mua trực tiếp các sản phẩm, vì vậy đơn vị mong muốn được tỉnh Bắc Kạn quan tâm chất lượng, hình ảnh sản phẩm; đồng thời có hướng quy hoạch vùng sao cho việc thu mua hợp lý để giảm chi phí vận chuyển…

Kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa lợi thế của Bắc Kạn ảnh 3 Tại hội nghị, đã có 5 doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ với 5 đơn vị là hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN

Kết thúc hội nghị, đã có 5 doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ với 5 đơn vị là Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa tỉnh Bắc Kạn.

Vũ Hoàng Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm