Kênh thủy lợi bị bồi lắng, nhiều diện tích sản xuất ảnh hưởng

Trong khi mực nước trên các sông, kênh, rạch ở tỉnh Đồng Tháp xuống thấp, nguồn nước dưới kênh thủy lợi Vành Đai thuộc địa bàn hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò cạn kiệt do bị bồi lắng, điều này gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

vna_potal_kenh_thuy_loi_o_dong_thap_bi_boi_lang_thieu_nuoc_phuc_vu_san_xuat_nong_nghiep_7280107.jpg
Nước dưới kênh Vành Đai cạn trơ đáy, không thể bơm nước tưới cho vườn cây. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại kênh Vành Đai mới đây, có những đoạn kênh, nước cạn trơ đáy, cỏ mọc kín cả mặt kênh. Nhiều chủ vườn đặt “trực chiến” máy bơm ven kênh để khi nước lớn vào là tranh thủ bơm nước lên vườn. Chạy dọc theo kênh Vành Đai là con đường đất nhỏ hẹp, gập ghềnh. Mùa khô, lưu thông bằng xe gắn máy cũng rất khó khăn, còn vào mùa mưa là không thể di chuyển vì sình lầy.

Ông Nguyễn Văn Tòng ở ấp Tân Hòa Đông, xã Tân Mỹ cho rằng, cùng với thiếu nước tưới trong mùa khô, đường vào vườn quá khó khăn nên khi bán nông sản, bị thương lái ép giá. Ông Tòng cũng như nhiều người dân có đất sản xuất gần kênh Vành Đai rất muốn kênh được nạo vét, cung cấp đủ nước tưới cho vườn cây, kết hợp với làm đê bao và đường giao thông nội đồng, giúp vận chuyển phân bón, nông sản thuận lợi hơn.

Nhiều năm qua, kênh Vành Đai phục vụ nước tưới tiêu cho khu vườn rộng 1 ha của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp Tân Hòa Đông, xã Tân Mỹ. Ông Dũng cho hay, vườn trồng nhiều loại cây như mít, xoài, cóc, ớt… Từ Tết Nguyên đán đến nay, nước dưới kênh Vành Đai cạn kiệt, ông phải chờ tới con nước lớn (thủy triều dâng lên) mới có thể tưới cây. Mùa khô những năm trước, khoảng từ tháng Giêng đến tháng 4 Âm lịch, tình hình nước tưới đã khó khăn, vì thiếu nước nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng.

vna_potal_kenh_thuy_loi_o_dong_thap_bi_boi_lang_thieu_nuoc_phuc_vu_san_xuat_nong_nghiep_7280268.jpg
Kênh thủy lợi Vành Đai có những đoạn nước cạn trơ đáy. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy ở ấp Tân Hòa Thượng, xã Tân Mỹ trồng hơn 6 công mít cũng tưới tiêu nhờ kênh Vành Đai. Do con kênh quá cạn, lại vào mùa khô nên việc lấy nước để tưới cho vườn mít gặp nhiều trở ngại. Chị Thúy cho biết, chị tốn tiền mua máy bơm và phải chờ đợi nước lớn vào mới có thể tưới vườn.

Tuy nhiên, tưới chưa xong vườn mít là đã đến nước ròng (thủy triều xuống). Vừa tốn công thức đêm canh nước lớn, vừa tốn chi phí tiền điện, xăng dầu để vận hành máy bơm. Chị Thúy rất mong ngành chức năng và chính quyền địa phương sớm triển khai nạo vét kênh Vành Đai để nguồn nước tưới tiêu thuận lợi.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò Lê Văn Thuận cho biết, gần đây, đơn vị phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung đã đến khảo sát thực địa tại kênh Vành Đai. Do đã nạo vét từ rất lâu nên hiện nay, kênh đang bị bồi lắng, lòng kênh hẹp, cỏ và thủy sinh mọc nhiều, gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trong mùa khô.

vna_potal_kenh_thuy_loi_o_dong_thap_bi_boi_lang_thieu_nuoc_phuc_vu_san_xuat_nong_nghiep_7280108.jpg
Nhiều chủ vườn đặt “trực chiến” máy bơm ven kênh Vành Đai để khi nước lớn (thủy triều dâng lên) là tranh thủ bơm nước lên vườn. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Ông Lê Văn Thuận cho biết thêm, công trình nạo vét kênh Vành Đai rất cần thiết đầu tư nhưng với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có trao đổi, đề nghị chính quyền địa phương tổ chức họp dân, vận động bà con thống nhất việc giải phóng mặt bằng. Ngành chức năng sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn để thực hiện nạo vét kênh Vành Đai nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho nhân dân.

Theo ngành chức năng huyện Lấp Vò, kênh Vành Đai dài khoảng 1.500 m là kênh thủy lợi nội đồng phục vụ nước tưới tiêu cho khoảng 55 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc ấp Khánh Mỹ B, xã Tân Khánh Trung và ấp Tân Hòa Thượng, xã Tân Mỹ. Hiện nay, kênh thủy lợi này đã bị bồi lắng, cạn kiệt, thiếu nước tưới nên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân trong khu vực gặp khó khăn.

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm