Sau sự cố nứt vỉa hè tại gói thầu số 1 của dự án Kè sông Cần Thơ, mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng thành phố Cần Thơ tiếp tục ghi nhận hiện tượng nứt dọc cục bộ tại một số vị trí vỉa hè đã được lát gạch Terazzo thuộc gói thầu số 4.
Ngày 23/5, Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng thành phố Cần Thơ đã có báo cáo về tình hình thi công các gói thầu, nguyên nhân gây ra các vết nứt và phương án khắc phục sự cố.
Theo đó, dự án Kè sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu có tổng chiều dài toàn tuyến 5.160m, được chia thành 4 gói thầu thi công; trong đó, gói thầu số 4 thuộc đoạn kè bảo vệ bờ trái sông Cần Thơ, có chiều dài 1.250m, kéo dài từ chùa Linh Thạnh Tự (phường Lê Bình, quận Cái Răng) đến rạch Ba Láng và từ rạch Ba Láng về huyện Phong Điền.
Gói thầu này được chia làm 2 đoạn; trong đó, đoạn 1 từ chùa Linh Thạnh Tự đến rạch Ba Láng nằm trên địa bàn quận Cái Răng, với chiều dài 720,3 m. Còn đoạn 2 từ rạch Ba Láng hướng về huyện Phong Điền, với chiều dài 530 m (địa bàn quận Cái Răng, với chiều dài 84,7 m và huyện Phong Điền có chiều dài 445,3 m).
Gói thầu số 4 có giá trị hơn 146 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng, với giá trị thực hiện đạt 144,6 tỷ đồng; trong đó, giá trị phần đường giao thông và vỉa hè là 4,56 tỷ đồng.
Quá trình thi công gói thầu số 4 xảy ra hiện tượng nứt dọc cục bộ tại phần vỉa hè phía sau kè, ở phần bê tông lót vỉa hè đã được lát gạch Terazzo. Ban Quản lý dự án đầu tư – xây dựng thành phố Cần Thơ, nhà thầu thi công cùng đơn vị thiết kế đã kiểm tra thực tế hiện trường, xác định xảy ra hiện tượng lún lệch cục bộ làm nứt dọc tại một số vị trí vỉa hè đã được lát gạch thuộc đoạn 2.
Đoạn kè bị nứt nằm trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ trước Tết Nguyên đán 2024.
Nguyên nhân chính gây ra các vết nứt là do hiện tượng lún lệch cục bộ giữa phần vỉa hè nằm trên bê tông lót và phần vỉa hè nằm trên nền cát K95. Cụ thể, nứt xuất hiện tại những vị trí mà lớp cát đắp có chiều cao khoảng 2,2m nằm trên nền đất yếu, không được xử lý theo thiết kế ban đầu, dẫn đến lún cố kết tự nhiên theo thời gian.
Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án - đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ cho biết, Ban đã kiểm tra và xác định rằng phần tường kè thi công vẫn đảm bảo ổn định, không bị ảnh hưởng bởi các vết nứt. Tuy nhiên, để khắc phục hiện tượng lún lệch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng sẽ tiến hành phá dỡ lớp bê tông lót bị nứt, bù cát và lu lèn để chờ quan trắc ổn định trước khi hoàn thiện lại lớp bê tông lót và lát gạch Terazzo.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án - đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ, hạng mục đường phía sau kè theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt chỉ đắp cát trên nền đất yếu nên nếu phương án xử lý lún trước theo quy trình thì rất tốn kém kinh phí, không khả thi vì đây chỉ là hạng mục cho xe máy và người đi bộ đi lại. Phương án được chấp nhận là cho nền đường lún theo thời gian. Nhà thầu sẽ sửa chữa bù cát và lát gạch lại trong quá trình bảo hành công trình.
"Khi dự án được bàn giao, đơn vị quản lý sử dụng tiếp tục quản lý theo dõi nếu quá trình khai thác sử dụng lún tiếp thì duy tu bảo dưỡng thường xuyên đến khi nền đường ổn định hết lún", ông Cường cho hay.
Hồi đầu tháng 5, tại gói thầu số 1 của dự án Kè sông Cần Thơ (đoạn qua phường An Bình, quận Ninh Kiều) cũng ghi nhận các vết nứt trên vỉa hè. Nguyên nhân nứt do hiện tượng lún lệch cục bộ giữa phần bê tông lót trên bản đáy tường kè và phần nằm trên nền cát. Vị trí xảy ra vết nứt này có chiều cao lớp cát đắp 2m, nằm trên nền đất yếu thuộc khu vực đã từng xảy ra sạt lở vào năm 2020 và 2021.
Dự án Kè sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.095 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn vay ODA và vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) khoảng 470 tỷ đồng.
Hiện tại, dự án đã hoàn thành khoảng 93% giá trị công trình. Trong số 4 gói thầu của dự án, gói thầu số 3 và số 4 đã hoàn thành còn hai gói số 1, 2 vẫn còn một vài hạng mục đang thi công do vướng một số cơ sở sản xuất chưa di dời. Các hạng mục còn lại sẽ được tiếp tục thi công và khắc phục các sự cố để đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Tại buổi làm việc với AFD diễn ra vào tháng 4/2024, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cam kết sẽ sử dụng ngân sách thành phố để hoàn thành dự án đúng kế hoạch đã đề ra, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho công trình quan trọng này.
Thanh Liêm