Các hộ dân ở làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ được hỗ trợ cây giống về trồng tại vườn nhà. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN |
Ở làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ có những gia đình đã vào sinh sống ổn định được vài năm nhưng cũng có những ngôi nhà mới đang được xây dựng, hoàn thiện. Nằm ở cuối trục đường bê tông chính của làng là ngôi nhà khang trang xây dựng theo kiến trúc truyền thống đồng bào Cơ tu của anh Arắc Bước, 31 tuổi. Trước đây, hai vợ chồng anh Arắc Bước và 3 con nhỏ sống chung với bố mẹ và các anh chị em trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Mực, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, mọi sinh hoạt trong gia đình đều rất bất tiện. Khi biết chủ trương xây dựng làng thanh niên lập nghiệp, anh Arắc Bước đã mạnh dạn làm hồ sơ xin vào làng và được Tỉnh Đoàn Quảng Nam lựa chọn. Với diện tích đất ở được cấp rộng 600m2, ngoài việc làm nhà và xây dựng các công trình phụ, anh Arắc Bước dành phần lớn đất để quy hoạch phát triển mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi lợn đen trên nền đệm lót sinh học, trồng cỏ voi để nuôi 5 con bò. Chia sẻ về cuộc sống mới ở làng thanh niên lập nghiệp, anh Arắc Bước cho biết: Làng mới có mặt bằng rộng rãi, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Vị trí của làng cũng gần trung tâm huyện Nam Giang nên người dân dễ dàng đưa những sản phẩm nông sản ra chợ tiêu thụ, việc học hành của con trẻ cũng thuận lợi.
Anh Arắc Bước, 31 tuổi, là một trong những hộ dân đầu tiên về sinh sống ở làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ. Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN |
Anh Lê Duy Vũ, quê ở huyện Thăng Bình, lên huyện miền núi Nam Giang làm thuê rồi lấy vợ là người ở địa phương. Trước đây, do công việc không ổn định, hai vợ chồng anh Vũ phải ở nhà thuê; ước mơ có một mảnh đất để dựng nhà rất xa vời. Biết được hoàn cảnh của anh Vũ, Huyện đoàn Nam Giang đã giới thiệu và hướng dẫn anh làm thủ tục để xin vào làng thanh niên lập nghiệp. Qua hơn một năm về ở làng mới, cuộc sống của vợ chồng anh Vũ đã dần ổn định với ngôi nhà cấp 4 và khu vườn trồng mít không hạt xanh tốt, chuẩn bị cho vụ trái đầu tiên. Anh Lê Duy Vũ tâm sự: Cuộc sống ở nơi làng mới tuy còn nhiều khó khăn ban đầu nhưng các hộ dân trong làng luôn quyết tâm vươn lên bằng chính sức trẻ, sự hăng say lao động để lập thân, lập nghiệp. Thời gian tới, khi được Nhà nước giao đất rừng sản xuất anh sẽ trồng cây keo gỗ lớn, đồng thời mở rộng chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Tại Làng thanh niên Thạnh Mỹ có 22 hộ dân đã xây dựng nhà, ổn định cuộc sống. Cơ sở hạ tầng của làng được đầu tư tương đối đầy đủ gồm đường giao thông, hệ thống điện lưới, nước sạch đến từng hộ dân, nhà sinh hoạt văn hóa. Hiện nay, việc quản lý Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ do Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam (Tỉnh Đoàn Quảng Nam) đảm nhiệm. Những thanh niên muốn trở thành “công dân” của làng phải trải qua quá trình xét chọn hồ sơ chặt chẽ và phải có ý chí, khát vọng lập nghiệp trên mảnh đất mới. Mỗi hộ dân khi vào làng sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng để làm nhà, được cấp 600m2 đất ở, 3 ha đất sản xuất, giao khoán bảo vệ 3 ha rừng, hỗ trợ 6 tháng gạo ăn với mức 15 kg gạo/người/tháng.
Mô hình chăn nuôi heo đen trên nền đệm lót sinh học được nhân rộng tại làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ. Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN |
Là cán bộ thường trực của Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam ở Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, anh Nguyễn Ngọc Thu gắn bó với các hộ dân ở đây từ khi làng đi vào hoạt động năm 2017 đến nay. Theo anh Nguyễn Ngọc Thu, khi thanh niên vào làng ở, việc hướng dẫn cho họ cách thức làm ăn có ý nghĩa quan trọng để từng bước ổn định cuộc sống. Ban quản lý làng đã nghiên cứu, lựa chọn xây dựng một số mô hình mẫu về chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng địa phương sau đó hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống cây, con tới cho từng hộ dân. Hiện nay, Ban quản lý làng đang khuyến khích các hộ dân nhân rộng mô hình nuôi gà thả đồi, hướng tới thành lập tổ hợp tác để đăng ký tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với Hợp tác xã mây tre đan Âu Cơ dạy nghề và tạo việc làm thêm cho người dân trong thôn. Bên cạnh phát triển sản xuất, làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ cũng từng bước xây dựng nếp sống văn hóa mới, các thành viên trong làng cam kết gương mẫu chấp hành pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, không lạm dụng rượu bia…
Những ngôi nhà mới đang được xây dựng ở làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ. Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN |
Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ là một trong 15 làng thanh niên lập nghiệp được Trung ương Đoàn đầu tư trong giai đoạn 2013-2020 nhằm thực hiện chương trình của Chính phủ về giãn dân, đồng thời phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Quảng Nam. Dự án khởi công vào giữa năm 2014, đến nay đã được đầu tư 30,7 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn của Trung ương Đoàn là 19,2 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam.
Theo Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam, có 50 hộ thanh niên được tuyển chọn vào Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, trong đó 22 hộ gia đình đã sinh sống ổn định, các hộ khác đang làm nhà. Trong năm 2019, đơn vị tiếp tục tuyển chọn thêm 10 hộ thanh niên, đảm bảo số lượng quy hoạch 60 hộ dân của làng. UBND tỉnh đã giao cho Tỉnh Đoàn Quảng Nam 22,3 ha đất ở để bố trí cho các hộ dân, làm các công trình hạ tầng và khoảng 600 ha gồm đất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, đất trồng rừng sản xuất, đất khoanh nuôi bảo vệ và phục hồi rừng.
Mô hình trồng chuối được nhiều hộ dân ở làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ triển khai. Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN |
Anh Bùi Thành Vinh, Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đang tiến hành các bước lập hồ sơ để cấp sổ đỏ đất ở, giao đất sản xuất, đất khoanh nuôi bảo vệ và phục hồi rừng cho từng hộ dân trong làng. Để Làng thanh niên phát triển bền vững, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam tiếp tục đồng hành với các hộ trong làng nhiều năm nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng làng trở thành một khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở khu vực miền núi của tỉnh.
Đỗ Trưởng