Ngày 31/12, Huyện ủy, UBND huyện Bác Ái (Ninh Thuận) tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập và 20 năm tái lập huyện; đồng thời, vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng.
Huyện miền núi Bác Ái được thành lập vào tháng 10/1950 và tái thành vào tháng 11/2000 lập theo Nghị định số 65/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Huyện chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2001 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính với huyện Ninh Sơn. Toàn huyện có 9 xã, đồng bào dân tộc thiểu số Raglai chiếm trên 90% dân số toàn huyện.
Tại buổi lễ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Hồ Xuân Ninh nhấn mạnh: Bác Ái là một trong 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Vào những ngày đầu tái lập, huyện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện cùng chung tay xây dựng nên Bác Ái đang dần thay đổi từng ngày và phát triển đi lên một cách vững chắc.
Trong 20 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện Bác Ái đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng nông thôn miền núi. Từ năm 2014, khi huyện Bác Ái được thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ, UBND huyện đã đầu tư xây dựng 222 hạng mục công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân. Đến nay, 100% đường liên huyện, xã và thôn đã được trải nhựa, cấp phối hoặc bê tông hóa; trên 95% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 9/9 xã đều có trường lớp học các cấp và trạm y tế. Mức độ tiếp cận các dịch vụ của người dân được nâng lên đáng kể.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp ủy, chính quyền huyện Bác Ái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới, phát huy nội lực; đồng thời tranh thủ các nguồn lực xã hội để đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt kết quả khá tích cực. Cụ thể, huyện có 25 trong tổng số 30 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tổng huy động vốn đầu tư trên 1.100 tỷ đồng, vượt 5,4% kế hoạch; tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 15,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 17,2 triệu đồng/năm, tăng 72%; tổng diện tích gieo trồng đạt 11.000 ha, tăng 25% so với năm 2015.
Sự phát triển về kinh tế đã tạo đòn bẩy thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển đi lên. Biểu hiện rõ nét là tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 5,9%/năm (vượt kế hoạch đề ra), hiện còn 29,25%. Song song với phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy và chính quyền huyện Bác Ái luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh; phát huy giá trị văn hóa và tinh thần đoàn kết các dân tộc để tạo nền tảng vững chắc đưa huyện phát triển bền vững.
Ngoài phát huy nội lực, UBND huyện cũng tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gắn với thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, các Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ, Chương trình xây dựng nông thôn mới… Nhờ vậy, huyện miền núi Bác Ái từng bước phát triển, thu hẹp khoảng cách với các địa phương vùng đồng bằng trong tỉnh, xứng đáng với truyền thống quê hương anh hùng.
Với truyền thống cách mạng và chặng đường phát triển trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bác Ái đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang; 8 trong tổng số 9 xã trong huyện được công nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang; 10 tập thể và 4 cá nhân được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tại lễ kỷ niệm 20 năm tái lập, huyện Bác Ái vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì vì có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công Thử