Huyện miền núi An Lão thu hút khách bằng môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn

Ngày 1/8, Sở Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp với UBND huyện An Lão đã tổ chức Lễ phát động phong trào xây dựng “Môi trường du lịch an toàn - thân thiện - hấp dẫn”.

vna_potal_huyen_an_lao_hai_phong_huong_ung_phong_trao_xay_dung_moi_truong_du_lich_an_toan_than_thien_hap_dan_7515509.jpg
Nhiều người dân tham gia buổi lễ phát động. Ảnh: Sỹ Thắng - TTXVN

Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, trên cơ sở khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch địa phương, huyện luôn xác định việc xây dựng và không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phải song hành với đẩy mạnh truyền thông quảng bá và xây dựng “môi trường du lịch an toàn - thân thiện - hấp dẫn”. Từ đó, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến địa phương.

"Xây dựng An Lão, Bình Định thành điểm du lịch “3 tốt” (an ninh tốt, môi trường tốt và quan hệ cộng đồng tốt); phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc đảm bảo tính bền vững và hấp dẫn của du lịch Bình Định nói chung, huyện An Lão nói riêng đối với du khách" - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão khẳng định.

Huyện An Lão là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng; đặc biệt, xã An Toàn là nơi có khí hậu mát mẻ và sở hữu khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. An Lão có nhiều cảnh đẹp như: Thác Đá Ghe (xã An Hưng), hồ Hưng Long (xã An Hòa), hồ chứa nước Đồng Mít, thác Bốn tầng (xã An Quang), thác R’rê, thác Rông (xã An Vinh), Cổng trời (xã An Nghĩa), đỉnh ngắm mây (xã An Toàn). Ngoài những lợi thế về tự nhiên, địa phương còn có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Trên địa bàn huyện hiện có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia và 7 di tích lịch sử cấp tỉnh.

ThacDaghe.jpg
Thác Đá Ghe nằm giữa không gian nguyên sơ, xanh thẳm. Ảnh: baobinhdinh.vn

Với lợi thế về tự nhiên nhiều sông, hồ, suối, thác và điều kiện khí hậu được thiên nhiên ưu đãi, An Lão là nơi có những sản vật địa phương hấp dẫn như: Cá niên, ốc đá, rau dớn, sim rừng, mật ong rừng... Huyện đang triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết hợp chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Bưởi, cam, bơ, chè tiến vua, trà thảo mộc, cao dược liệu, rượu sim, rượu cần, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đan lát của người Hrê, Bana... Bên cạnh đó, người dân địa phương luôn thân thiện và mến khách.

Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Giám đốc Sở Du lịch Huỳnh Cao Nhất cho biết, quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là điểm đến ấn tượng của khách du lịch trong nước và quốc tế, năm 2024, Sở Du lịch đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy du lịch phát triển.

Ông Huỳnh Cao Nhất đề nghị, mỗi người dân Bình Định nói chung, người dân huyện An Lão nói riêng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cùng chung tay xây dựng du lịch phát triển theo hướng xanh - sạch - đẹp; đảm bảo an ninh, an toàn, văn minh và thân thiện bằng những việc làm thiết thực nhất.

vna_potal_huyen_an_lao_hai_phong_huong_ung_phong_trao_xay_dung_moi_truong_du_lich_an_toan_than_thien_hap_dan_7515511.jpg
Đoàn thanh niên diễu hành trên các tuyến đường thị trấn An Lão hưởng ứng lễ phát động. Ảnh: Sỹ Thắng - TTXVN

Sau lễ phát động, đông đảo đoàn viên, thanh niên và các đại biểu đã tham gia diễu hành qua các tuyến đường chính trên địa bàn huyện An Lão với các phướn tuyên truyền có nội dung “Mỗi người dân Bình Định là một đại sứ du lịch” và “Môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn" để tuyên truyền, kêu gọi sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, du khách chung tay xây dựng điểm đến Bình Định an toàn - thân thiện- hấp dẫn.

Sỹ Thắng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm