Huyện Lộc Ninh tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV

Ngày 9/5, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 với chủ đề “Các dân tộc huyện Lộc Ninh đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”. Đây là đơn vị được tỉnh Bình Phước chọn chỉ đạo tổ chức đại hội điểm cấp huyện.

LocNinh1.jpg
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu chỉ đạo đại hội. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Đại hội đã hiệp thương cử 25 đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước lần thứ IV.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh đề nghị, cấp ủy, UBND huyện Lộc Ninh tiếp tục rà soát, thực hiện hiệu quả, đúng quy định kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Huyện tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi; trong đó, trọng tâm là triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tiếp tục tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, đời sống cho đồng bào dân tộc thiếu số một cách bền vững.

LocNinh2.jpg
Toàn cảnh Đại hội đại biểu các DTTS huyện Lộc Ninh lần IV, năm 2024. Ảnh: Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Bà Trần Tuyết Minh cũng nhấn mạnh, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Lộc Ninh tiếp tục nỗ lực, không ngừng phấn đấu, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đoàn kết giúp nhau trong lao động sản xuất, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Nhiệm kỳ 2024-2029, huyện Lộc Ninh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1,5 - 2%; 100% số ấp thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, trung học cơ sở trên 95%; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Huyện phấn đấu 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số; trên 90% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân…

Để đạt mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hồ Quang Khánh cho biết, huyện tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2030; quan tâm bố trí nguồn lực nhà nước, huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên kiên cố hóa đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Địa phương thực hiện tốt công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị, phong tục, bản sắc văn hóa các dân tộc, phục dựng lễ hội, ngành nghề truyền thống, di tích lịch sử.

LocNinh3.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Huyện chú trọng đào tạo, quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nhất là cán bộ nữ; đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất các trường học đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị; ưu tiên củng cố đầu tư và phát triển hợp lý số lượng, chất lượng, quy mô trường phổ thông dân tộc nội trú phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tế địa phương. Đặc biệt, huyện duy trì, nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới...

Địa phương tiếp tục phát huy vai trò các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nắm tình hình ở cơ sở, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết tình huống phát sinh.

Lộc Ninh là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Phước, có đường biên giới dài 107,32 km giáp huyện Mimot, tỉnh Tbong khmun và huyện Snuol, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia. Đồng bào dân tộc thiểu số có 26.441 người, chiếm 20,03% dân số toàn huyện; trong đó, đồng bào dân tộc S’tiêngKhmer chiếm 89,85%.

LocNinh4.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và người dân, giai đoạn 2019-2024, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 94 hộ/năm. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 61 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn để sản xuất với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng, cho vay để học sinh - sinh viên học tập trên 3,4 tỷ đồng. Các hộ đồng bào dân tộc còn được vay vốn giải quyết việc làm, xây nhà...

Toàn Đảng bộ huyện có 260 đảng viên là người dân tộc thiểu số; trong đó, có 2 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, 50 đồng chí là đại biểu HĐND các cấp. Huyện có 131 tổ hòa giải tại ấp và khu phố, trong đó, có 134 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm