Huyện Cát Tiên ở tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 8/6/2022, công nhận huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyen Cat Tien o tinh Lam Dong dat chuan nong thon moi hinh anh 1

Khu Trung tâm hành chính huyện - một góc đô thị thị trấn Cát Tiên nhìn từ trên cao. Nguồn: baolamdong.vn

Cát Tiên là huyện thuần nông, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng 43% trong cơ cấu kinh tế. Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao là chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015-2020). Huyện đang hình thành 12 chuỗi liên kết về sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, sản xuất cây mía, cây dâu tằm, cây dược liệu diệp hạ châu… Toàn huyện có 2.439 ha ứng dụng công nghệ cao, chiếm 12% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Chính quyền huyện Cát Tiên định hướng xây dựng những “cánh đồng mẫu lớn”, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới để sản xuất sản phẩm sạch theo nhu cầu thị trường.

Lúa là cây trồng chủ lực ở Cát Tiên với trên 2.229 ha ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2013, huyện đã sử dụng thương hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” để đưa sản phẩm lúa gạo trở thành nguồn hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường, tăng thu nhập của nông dân trên một đơn vị canh tác. Sản phẩm lúa gạo mang nhãn hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh… với sản lượng liên kết tiêu thụ lúa giống đạt 1.930 tấn, gạo 5.200 tấn.

Tới thời điểm này, địa bàn huyện Cát Tiên có 100% xã đạt và giữ vững danh hiệu nông thôn mới; trong đó, xã Đức Phổ được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và tiệm cận nông thôn mới kiểu mẫu, xã Gia Viễn đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu về môi trường. Ngoài ra, hai xã Tiên Hoàng và Quảng Ngãi đạt tiệm cận xã nông thôn mới nâng cao.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay, toàn tỉnh có 107/111 xã (96,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 6 xã nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, toàn tỉnh có huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh và Cát Tiên; hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Lâm Hà được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2022, tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình nông thôn mới bằng nguồn ngân sách tỉnh là 150 tỷ đồng. Các địa phương phân bổ vốn đến các xã để triển khai thực hiện theo quy định và đã giải ngân 25,9 tỷ đồng, đạt 17,3% kế hoạch...


Chu Quốc Hùng

Tin liên quan

Lâm Đồng công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra các quyết định số 1648, 1649, 1650, 1651/QĐ-UBND ngày 5/8/2020, công nhận thêm 4 xã Đạ Lây, Mỹ Đức (huyện Đạ Tẻh) và Quảng Ngãi, Nam Ninh (huyện Cát Tiên) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Từ kết quả này, tỉnh Lâm Đồng đã có 99/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới qua 10 năm thực hiện chương trình này.


Tập huấn “Khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã” tại Vườn Quốc gia Cát Tiên

Trong hai ngày 14 và 15/9/2019, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) tổ chức chương trình tập huấn “Khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã” cho hơn 20 phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM); cùng các chuyên gia, cán bộ bảo tồn, cứu hộ động vật hoang dã.


Vùng lúa Cát Tiên khắc phục hậu quả lũ lịch sử

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, những ngày qua mưa lớn kéo dài gây ngập úng, lũ quét nghiêm trọng tại các địa phương của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là các vùng thấp trũng bị ngập sâu trong nước. Trong đó huyện Cát Tiên- vùng lúa gạo lớn nhất tỉnh cũng bị ảnh hưởng, hiện người dân đang cố gắng khắc phục hậu quả.



Đề xuất