![]() |
Ảnh minh họa. |
Quản lý khu vực trồng hoa của Công ty Kim Ngân, ông Bùi Đắc Lộc cho biết, toàn bộ giống hoa lan đều được nhập từ Đài Loan vì giống hoa được sản xuất đồng đều, chất lượng cao. Qúa trình sản xuất đều phải áp dụng các công nghệ hiện đại. Toàn bộ sản phẩm của công ty đều được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Suốt 3 năm qua, thị trường ngày càng phát triển tốt hơn, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng ổn định đối với loại hoa này.
Trên địa bàn huyện Bảo Lâm hiện có hai công ty trồng hoa lan quy mô lớn, một doanh nghiệp chuyên trồng hoa lan vũ nữ để xuất khẩu và Công ty Kim Ngân chỉ tiêu thụ trong nước. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, ông Đậu Văn Xuân cho biết, các công ty này góp phần tạo nên giá trị lớn cho sản xuất nông nghiệp của địa phương, giải quyết việc làm cho lao động, tạo động lực và hướng đi mới cho người dân địa phương. T húc đẩy hướng đi mới cho người dân địa phương đó là giúp cho người dân mạnh dạn hơn trong đầu tư công nghệ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng hoa lan.
Trên địa bàn huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc hiện có hàng chục hộ dân đã mạnh dạn đầu tư công nghệ để trồng và kinh doanh hoa lan. Một trong số đó là Vườn lan Văn Sỹ. Chủ Vườn lan Văn Sỹ, ông Trịnh Văn Sỹ cho biết: “Ban đầu, anh em cùng đam mê tạo sân chơi là trồng, nhân nuôi hoa lan chỉ để thỏa đam mê. Sau đó thấy sức tiêu thụ của thị trường hoa lan quá lớn và nhu cầu ngày một cao nên nhiều người chuyển sang nghiên cứu, trồng và kinh doanh hoa lan chuyên nghiệp”.
Hiện tại ông Sỹ đã có 2 cơ sở trồng, nhân giống và kinh doanh các loại lan rừng. Với hàng trăm giống lan rừng hiện có, chủ yếu được ông Sỹ học hỏi kinh nghiệm, nhân giống thủ công từ các loại lan rừng được lưu.
Điều khó cho những vườn lan như ông Sỹ là hầu hết đều được đúc rút kinh nghiệm thực tế chứ không qua trường lớp. Tuy vậy, vì lợi nhuận khá cao nên việc đầu tư cho một số thiết bị, công nghệ để phát triển ngành nghề đều được mọi người mạnh dạn đầu tư.
Tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc hiện có tới 20 vườn lan tư nhân như của ông Sỹ và hiện có hàng chục vườn khác đang được tiếp tục đầu tư. Ông Đậu Văn Xuân cho biết, huyện Bảo Lâm là một tiểu vùng khí hậu rất thuận lợi cho việc trồng các loại hoa lan. Lan được trồng tại đây có hoa lâu tàn hơn ở nhiều địa phương khác. Trong khi thị trường tiêu thụ các loại hoa lan rừng trong nước còn rất lớn nên ngày càng có nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư phát triển. Vấn đề vướng mắc là công nghệ làm giống hoa hiện nay trong nước không theo kịp nhu cầu đang có mức tăng trưởng rất nhanh.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Ngoài thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, xu thế áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng hoa nói riêng tại các địa phương khác tại Lâm Đồng cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là một hướng phát triển phù hợp với “thủ đô nông nghiệp công nghệ cao” của cả nước./.