Với các giải pháp đồng bộ, trong đó có đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, huyện miền núi Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) quyết tâm, nỗ lực đến cuối năm 2024 sẽ thực hiện đạt các chỉ tiêu giảm nghèo, đưa huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Người lao động miền núi vào nhà máy làm việc
Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp đến địa bàn huyện Khánh Vĩnh tuyển dụng người lao động. Nổi bật là Nhà máy chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa, đã tuyển dụng và đưa người lao động vào làm việc có hiệu quả. Nhà máy này hoạt động tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu, huyện miền núi Khánh Vĩnh, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng và giải quyết nhiều việc làm cho lao động tại địa phương miền núi.
Là một trong nhiều lao động người dân tộc thiểu số tại huyện miền núi Khánh Vĩnh đến làm việc tại Nhà máy, chị H' Én, người Ê đê (sinh năm 2002) cho biết, những năm trước, khi chưa có Nhà máy, chị học xong lớp 12 thì phụ việc ở quán ăn gần nhà, thu nhập không cao và không có tiền để tích lũy. Từ lúc vào làm việc tại Nhà máy, ở môi trường chuyên nghiệp, kỷ luật và đặc biệt có mức lương cao, đời sống của chị và gia đình tăng lên rất nhiều. Chị đã có thể mua sắm các vật dụng trong gia đình và có tiền tiết kiệm. Các chính sách của công ty cũng như môi trường làm việc năng động khiến chị H' Én cảm thấy mỗi ngày đi làm đều là một ngày thoải mái và vui vẻ.
“Vào môi trường nào cũng có kỷ luật, nên tôi cần rèn luyện theo chuẩn mực chung, tác phong công nghiệp để đáp ứng nhu cầu xã hội. Bản thân tôi rất đồng tình và tuân thủ các nội quy và yêu cầu của công ty. Tôi mong bạn bè và người dân ở huyện Khánh Vĩnh cố gắng học tập, tham gia lao động sản xuất ở các nhà máy. Từ đó, có công việc và thu nhập ổn định”, chị H' Én cho hay.
Hiện nay, Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa có 350 lao động, trong đó có hơn 20 lao động dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo của huyện Khánh Vĩnh. Mức thu nhập bình quân của người lao động từ 8 đến 11 triệu đồng/tháng (tùy vào vị trí công việc và thâm niên). Làm việc tại đây, người lao động nói chung, người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm, đảm bảo đẩy đủ các chế độ trong hợp đồng lao động và đặc biệt là môi trường làm việc thoải mái, hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động luôn được công ty chú trọng quan tâm hàng đầu. Ngoài đảm bảo đầy đủ các chế độ, phúc lợi, doanh nghiệp luôn quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề, rèn tác phong công việc, ý thức chuẩn mực đạo đức tại nơi làm việc cho công nhân. Công ty cũng đã đầu tư nhà xưởng làm việc, nơi nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho công nhân.
Bà Phạm Thị Thu Huyền, Giám đốc Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa cho biết, trước khi đi vào hoạt động, từ tháng 11/2023, Nhà máy đã có chính sách thu hút lao động dân tộc thiểu số vào làm việc. Thực tiễn cho thấy, số lao động này đã thích ứng rất tốt với môi trường làm việc của Nhà máy. Suy nghĩ, nhận thức của họ thay đổi rất lớn, không còn tâm lý e ngại, bỏ việc. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với việc tuyển dụng lực lượng lao động này chính là trình độ lao động. Bởi, hàng hóa của công ty chủ yếu là hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn, có những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm cũng như quá trình sản xuất. Do đó, dù Nhà máy nhận được nhiều hồ sơ xin việc, nhưng tỷ lệ lao động người đồng bào dân tộc thiểu số trúng tuyển và đáp ứng các yêu cầu làm việc vẫn chưa cao.
“Để đảm bảo và nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất công việc cho người lao động, đặc biệt là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài những chính sách kể trên, Nhà máy cũng định hướng huấn luyện, đào tạo lại và luôn tạo điều kiện thoải mái nhất cho người lao động dân tộc thiểu số khi làm việc”, bà Huyền cho hay.
Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa sẽ khởi công xây dựng giai đoạn 2 của Dự án Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào Khánh Hòa tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu, dự kiến hoạt động vào năm 2025, sẽ ưu tiên tuyển dụng từ 50 đến 80 lao động địa phương. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, huyện Khánh Vĩnh trong việc đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho người dân ở đây là rất quan trọng. Người lao động cần có nền tảng cơ bản, như vậy, mới đáp ứng nguồn tuyển chọn lao động phù hợp với tiêu chí, yêu cầu các nhà máy trong tương lai, hướng tới mục đích cuối cùng, tạo công ăn việc làm cho huyện nghèo, góp phần giúp địa phương phát triển trong tương lai.
Đào tạo nghề song song giải quyết việc làm
Năm 2024, huyện Khánh Vĩnh tiếp tục triển khai hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia và phấn đấu mức giảm 7,79% hộ nghèo, tương đương giảm 850 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2024 còn 1.935 hộ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo; phấn đấu 80% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất; có 1/13 xã đạt 19 tiêu chí, 3/13 xã đạt 16 tiêu chí, 9/13 xã đạt 15 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới…
Để đạt các chỉ tiêu trên, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn ưu tiên giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động; đào tạo nghề; chuyển dịch dần lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú huyện Khánh Vĩnh là một trong những điểm sáng đào tạo nghề trong những năm qua ở huyện Khánh Vĩnh. Ông Kiều Xuân Khiêm, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú huyện Khánh Vĩnh cho biết, học sinh tại Trường có hơn 90% là người đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 50%. Phần lớn học viên sau khi tốt nghiệp đều được Trường giới thiệu việc làm với mức lương tương đối ổn định.
Theo ông Khiêm, để đào tạo nghề để gắn với nhu cầu việc làm thực tế, nhà trường luôn ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo, từ giáo viên đến đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đặc biệt, nhà trường gắn kết với doanh nghiệp nhằm có môi trường thuận lợi nhất cho học viên đi kiến tập, thực tập và có việc làm sau khi ra trường.
“Thực tế hiện nay, vẫn còn tình trạng nhà trường đào tạo nghề xong, doanh nghiệp phải đào tạo lại. Do đó, trong quá trình giảng dạy, nhà trường khuyến khích các học viên tự học thêm; tăng thời lượng kiến tập, thực tập, thực hành tại doanh nghiệp, để sau khi tốt nghiệp, các em là những lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường”, ông Khiêm cho biết.
Bà Ca Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh cho biết, theo chỉ tiêu được giao, đến cuối năm 2024, huyện Khánh Vĩnh phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo. Do đó, ngay từ đầu năm 2024, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó đảm bảo tỷ lệ cứ 1 hộ gia đình sẽ có 10% người lao động có sức khỏe đi làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp. Vai trò của đào tạo nghề và giải quyết việc làm là hai vấn đề được Ủy ban nhân dân huyện quan tâm hàng đầu. Lao động là người ở huyện Khánh Vĩnh đã thay đổi nhận thức, chuyển từ hình thức sản xuất nông nghiệp du canh, du cư sang hình thức đi lao động ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn tại huyện và trong, ngoài tỉnh.
Cùng với đó, huyện cũng đang triển khai mô hình sinh kế cộng đồng cho các hộ gia đình theo Chương trình kinh tế - xã hội miền núi, hỗ trợ cho người dân cây, con giống, các phương tiện theo hộ gia đình đăng ký để sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo.
Phan Sáu