Đưa huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) ra khỏi danh sách huyện nghèo trước năm 2030

Bà con Bru - Vân Kiều huyện Đakrông học kỹ thuật trồng cây cà phê. Nguồn: baodantoc.vn
Bà con Bru - Vân Kiều huyện Đakrông học kỹ thuật trồng cây cà phê. Nguồn: baodantoc.vn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam vừa yêu cầu các ban, ngành và chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ huyện miền núi Đakrông thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo; phấn đấu trước năm 2030 đưa Đakrông ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.

Đưa huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) ra khỏi danh sách huyện nghèo trước năm 2030 ảnh 1Bà con Bru - Vân Kiều huyện Đakrông học kỹ thuật trồng cây cà phê. Nguồn: baodantoc.vn

Để thực hiện được mục tiêu này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các ban, ngành và huyện Đakrông xây dựng lộ trình, mục tiêu cụ thể để nêu cao tinh thần quyết tâm, phấn đấu trước năm 2030 huyện Đakrông không còn nằm trong danh sách huyện nghèo của cả nước. Các ban, ngành của tỉnh và huyện ĐaKrông gắn kết, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện, bảo đảm các dự án đều phát huy mang lại hiệu quả cao nhất; trong đó ưu tiên các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục nghề nghiệp việc làm bền vững, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo.

Trong quá trình thực hiện cần lựa chọn mô hình kinh tế giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm địa hình, thế mạnh, tập quán sản xuất của người dân và nhu cầu thị trường, không dàn trải; hỗ trợ người dân gắn kết với doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đakrông là huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị có trên 80% dân cư sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô. Giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ hộ nghèo của Đakrông giảm bình quân 5,3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 56,5% năm 2016, xuống còn 24,5% vào cuối năm 2021. Huyện Đakrông có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Trị và vẫn là huyện nghèo giai đoạn 2021-2025.

Với địa hình chủ yếu là đồi núi, huyện Đakrông có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, tập trung khai thác thế mạnh từ rừng để giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn từ năm 2016-2020, huyện Đakrông đã giao trên 4.000 ha rừng tự nhiên cho gần 2.000 hộ quản lý; đồng thời giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ, cá nhân bảo vệ và hưởng lợi, qua đó thu hút trên 193.000 lượt người tham gia. Giai đoạn từ 2021-2025, huyện Đakrông phấn đấu giao rừng tự nhiên cho hộ, cộng đồng dân cư 300 ha/năm; giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ và cá nhân bảo vệ và hưởng lợi là 15.000 lượt người/năm.

Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Đakrông, địa phương tập trung xây dựng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững. Cụ thể là xây dựng các mô hình thâm canh rừng sản xuất gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ; đẩy mạnh giao đất, giao rừng để đảm bảo rừng có chủ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm