Hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa theo tiêu chí thủy lợi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh (Tư liệu): Vũ Sinh – TTXVN |
Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 83,59%, cao nhất trong cả nước, vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao cho toàn vùng là 80%. Vùng Bắc Trung bộ đạt 51,92%, chưa đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho toàn vùng là 59%. Bình quân số tiêu chí/xã của cả vùng đạt 17,4 tiêu chí, cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã; trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt bình quân 18,28 tiêu chí/xã, cao nhất cả nước, vùng Bắc Trung bộ đạt bình quân 15,8 tiêu chí/xã. Cả vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện (thuộc 13 tỉnh/thành phố) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có 35 đơn vị (riêng Nam Định đã có 10/10 đơn vị cấp huyện được công nhận). Dự kiến đến hết năm 2019, một số tỉnh khó khăn như Quảng Trị, Quảng Bình... sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xét, công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho 1 đơn vị cấp huyện về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện trong vùng đã có 12/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn vùng sẽ có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có 52 xã và Bắc Trung bộ có 36 xã. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, sau 9 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; trong đó hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối thông suốt từ đường thôn, xã đến các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, đường cao tốc; hệ thống trường học các cấp được đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở y tế ngày càng được cải thiện; hệ thống các công trình xử lý rác thải, nước thải của khu vực đang ở vị trí dẫn đầu cả nước; kinh tế nông thôn trong khu vực phát triển đa dạng, các vùng sản xuất chuyên canh ngày càng hình thành nhiều, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tạo lợi nhuận ngày càng lớn cho người dân... Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã đưa ra một số yêu cầu cao hơn quy định của Trung ương; trong đó có việc đưa ra tiêu chí thứ 20 (ngoài 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới) khi xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, do mật độ dân số cao, kinh tế phát triển nóng, vùng Đồng bằng sông Hồng chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường. Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn thay đổi theo chiều hướng bê tông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống, đặc trưng của vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ... Đối với vùng Bắc Trung bộ, một số tỉnh, số xã đạt chuẩn vẫn còn mức dưới 50% số xã (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình); vẫn còn một số huyện đến nay chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Đakrông - Quảng Trị; huyện Kỳ Sơn, Quế Phong - Nghệ An; huyện Mường Lát - Thanh Hóa); kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số vùng khó khăn chưa thật sự bền vững. Vẫn còn địa phương nặng về hình thức, mới quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu, chưa quan tâm đến chất lượng của việc đạt chuẩn; nhiều tiêu chí, kết quả thực hiện còn kém bền vững (môi trường, an ninh trật tự,…).
Thành Trung