Bản Nà Phạ nằm chênh vênh, cheo leo giữa một bên là dòng suối Nậm Bốn và bên phía trên là Quốc lộ 279. Bản Nà Phạ có 61 hộ với 228 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Thái; trong đó có 56 hộ nằm trong vùng nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân, cấp ủy, chính quyền xã Mường Kim đã rà soát lại toàn bộ khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở của bản Nà Phạ để đưa ra phương án xử lý. Đồng thời tổ chức họp bản, lắng nghe ý kiến các hộ dân để di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn. Các hộ đều nhất trí di chuyển nhưng cái khó hiện nay là không có quỹ đất để bố trí cho bà con đến nơi mới. Hiện mới có một hộ di chuyển sang địa điểm mới do nền nhà bị nứt, lún sâu.
Ngôi nhà của chi Nghim mới được xây dựng năm 2017 nhưng đã bị sụt lún, tường bị nứt xé, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Mỗi khi có mưa, gia đình phải đi ở nhờ nơi khác. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết, 2 năm gần đây hiện tượng sụt lún xuất hiện liên tục, riêng đầu tháng 9/2018 có mưa lớn, kéo dài nên sụt lún càng mạnh. Xã đã chủ động theo dõi, bám sát tình hình để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; tổ chức họp bản tuyên truyền bà con đề cao tinh thần cảnh giác trước nguy cơ sụt lún tại bản, yêu cầu di chuyển người đến nơi an toàn khi có mưa lớn, nhằm phòng tránh thiệt hại do thiên tai. Xã sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tìm quỹ đất di chuyển các hộ dân trong thời gian tới. Đối với hộ tự mượn được đất, xã sẽ đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí di chuyển theo quy định. Gia đình chị Lò Thị Nghim là một trong những hộ nằm trong vùng nguy hiểm nhất của bản. Mặc dù ngôi nhà kiên cố lợp mái prôximăng nằm ngay sát Quốc lộ 279, nhưng toàn bộ phía sau nhà đã bị sụt lún, nứt tường, nền nhà cũng bị lún xuống gần một mét. Mỗi khi có trận mưa, cả gia đình có 4 khẩu luôn trong tình trạng lo lắng, bởi ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Chị Lò Thị Nghim cho biết: “Nhà xây xong từ tháng 5 năm 2017, thời điểm đó đã vào giữa mùa mưa, sau 1 tháng nhà bắt đầu có hiện tượng lún nền, gia đình gia cố ở tạm. Năm nay mưa nhiều, lượng mưa lớn kéo dài nên nền nhà lại sụt lún nhiều hơn, gia đình ở rất lo bị sụp nhà. Mong muốn cấp ủy, chính quyền tạo mọi điều kiện giúp gia đình cũng như bà con trong bản di chuyển đến nơi an toàn”.
Vết nứt của con đường dẫn vào bản Nà Phạ ngày một lớn, khiến cho người dân tham giao thông gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Gia đình anh Lường Văn Thức đã sinh sống gần 30 năm tại bản Nà Phạ. Trước đây tại bản chưa bao giờ thấy hiện tượng sụt lún, nhưng 2 năm gần đây, hiện tượng sụt lún ngày càng nhiều. Đường bê tông xuống bản ngay phía trước cổng nhà anh Thức đã bị đứt gẫy, lún 50 cm. Anh Thức chia sẻ: “Gia đình có 5 khẩu, đất đá sau nhà cứ trượt xuống mỗi khi có mưa. Ở đây rất nguy hiểm, mong được chuyển đến nơi an toàn để định canh, định cư, ổn định cuộc sống”. Theo ông Thàm Văn Trạm, Trưởng bản Nà Phạ, hiện tượng sụt lún bắt đầu từ năm 2013 trở lại đây khi phát hiện nền nhà các hộ dân bị nứt, nền đường bị sụt lún. Mỗi trận mưa lớn, kéo dài hiện tượng này lại rõ hơn. Các hộ dân “bám trụ” trong nỗi lo rình rập núi lở, đất đè, ảnh hưởng đến nhà cửa, đời sống. Bà con không yên tâm để sản xuất, phát triển kinh tế.
Vết nứt của con đường dẫn vào bản Nà Phạ ngày một lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho người dân. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Phía trên núi, xuất hiện những vết nứt, đứt gãy dài, lún sâu với hàng trăm khối đất đá khổng lồ đe dọa tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân bản Nà Phạ. Hiện tượng sụt lún xảy ra 3 - 4 năm gần đây, riêng từ đầu mùa mưa năm nay đã nứt hàng trăm mét phía trên núi rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Thăng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên cho biết, bản Nà Phạ được đơn vị theo dõi hiện tượng sụt lún từ năm 2016 đến nay, tình hình ngày càng diễn biến xấu. Phòng đã phối hợp xã Mường Kim rà soát quỹ đất, tham mưu UBND huyện trình UBND tỉnh Lai Châu cho phương án di chuyển và hỗ trợ người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, để bố trí đất ở cho các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở không đơn giản, do quỹ đất của xã không đáp ứng được. Phòng Nông nghiệp và xã Mường Kim đang xem xét mặt bằng tại vị trí khu đất Licogi 16.6 (trước đây UBND huyện thu hồi đất để làm nhà công vụ cho đơn vị thi công thủy điện Bản Chát nay giao lại xã quản lý) để di chuyển các hộ dân bản Nà Phạ lên. Nếu bố trí dân cư tại vị trí này sẽ phải san gạt, sửa lại để đảm bảo diện tích đất ở cho các hộ dân.
Nền nhà của một hộ dân bị sụt lún, gồ ghề, gia đình đã phải chuyển đi nơi khác. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Phương án di chuyển bản Nà Phạ lên khu vực Locogi 16.6 là phương án tốt nhất hiện nay, nhưng nơi đây thiếu nguồn nước, thiếu điện thắp sáng và mặt bằng để bố trí đủ cho các hộ dân. Để di dời cho 61 hộ bản Nà Phạ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao rất cần sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện, giúp người dân chuyển đến vùng đất mới an toàn, ổn định đời sống, phát triển kinh tế.
Việt Hoàng