Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet |
Được biết, vào năm 2000, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim chỉ đếm được vài chục con về đây sinh sống, nhưng bắt đầu từ năm 2013 đến nay, cò ốc về vườn ngày càng nhiều. Cò ốc về vườn từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Nhất là vào mùa nước lũ, cò ốc về ngày càng đông. Trước đây, chúng về để tìm kiếm thức ăn rồi bay đi, năm nay, cò ốc lại tập trung về khu A2 làm tổ và sinh sống.
Cò ốc có trọng lượng từ 1-1,5 kg, chúng sống định cư, đôi cánh màu đen - trắng bóng và đuôi có ánh lục hay tía. Bộ lông chim trưởng thành thay đổi theo mùa, thường là màu xám. Cò ốc sống thành bầy, chúng chọn những chạc ba ở ngọn cây tràm, cây tre để làm tổ và thường bay ra khỏi vườn từ 5-20 km tìm thức ăn. Cò ốc thường bay theo đàn vài trăm hoặc vài ngàn con, đẻ từ 2-4 trứng.
Cò ốc thích nghi tốt với môi trường của Vườn Quốc gia Tràm Chim vì có nhiều cây cỏ, thức ăn. Đây là vùng đất ngập nước và có nước ngọt quanh năm... Thức ăn chủ yếu của cò ốc là các loại ốc, cua, ếch, nhái và nhiều loại côn trùng khác. Cò ốc giúp Vườn quốc gia Tràm Chim tiêu diệt số lượng lớn ốc bươu vàng.
Vườn Quốc Gia Tràm Chim có 198 loài chim thuộc 49 họ, 14 bộ. Đặc biệt, nơi đây còn có 16 loài chim quý hiếm sinh sống và được bảo vệ, trong đó, 42% loài sử dụng đầm lầy nước ngọt, 10% sử dụng đồng cỏ, còn lại sử dụng rừng ngập nước, các con kênh, cây, bụi rậm và sử dụng tổng hợp. Vườn Quốc gia Tràm Chim được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng của Việt Nam .
Ông Hanh cho biết thêm, sau mùa nước lũ rút và đầu mùa nắng, số lượng chim, cò về Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày càng đông, lên đến hàng triệu con, ngoài những loài quý hiếm còn có nhiều chủng loại khác là các loại cò trắng, cồng cọc, le le, chích... Do môi trường tốt, mực nước các khu vực trong Vườn được đảm bảo theo chuẩn nên các loài thủy sinh, thủy sản phát triển nhanh; thảm thực vật được phục hồi và phát triển nhanh trong mùa nước là điều kiện thích hợp để các loài chim về đây quần tụ kiếm ăn sau khi nước lũ rút...