Ký kết dự án “xây dựng khu chăn nuôi gà thịt xuất khẩu chất lượng cao Bình Phước” với tổng vốn đầu tư khoảng 1.150 tỷ đồng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn De Heus (Hà Lan) liên doanh với Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN |
Ba dự án được ký kết gồm: Dự án xây dựng khu chăn nuôi gà thịt xuất khẩu chất lượng cao Bình Phước với tổng vốn đầu tư khoảng 1.150 tỷ đồng. Dự án này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn De Heus (Hà Lan) liên doanh với Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư. Dự án hợp tác xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gà thịt xuất khẩu 10 triệu con/năm, xây dựng nhà máy giết mổ gà thịt xuất khẩu 5.000 con/ngày và xây dựng khu điều hành hỗ trợ và hạ tầng kỹ thuật và vùng cách ly. Dự án xây dựng khu chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao và liên kết phát triển nuôi bò thịt dưới tán rừng HNT&T 159 Bình Phước với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Dự án do Tập đoàn Hùng Nhơn (tỉnh Bình Phước) và Công ty Cổ phần T&T 159 (tỉnh Hòa Bình) làm chủ đầu tư xây dựng khu chăn nuôi bò tập trung khoảng 100ha với 10.000 con/năm. Cùng với đó, dự án còn liên kết với 10.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh để hình thành vùng nuôi bò thịt dưới tán rừng quy mô nông hộ thông qua tổ hợp tác và Hợp tác xã (với công suất trung bình 5 đến 10 con bò giống/hộ chăn nuôi). Dự án vừa chịu trách nhiệm tiêu thụ hàng hóa trong chuỗi chăn nuôi liên kết với các nông hộ và dự kiến sẽ tạo việc làm cho 15.000 người dân địa phương. Dự án xây dựng khu trồng, tập kết, thu mua, bảo quản và đóng gói trái cây theo tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao Bình Phước với mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Tập đoàn Hùng Nhơn liên kết đầu tư. Dự án sẽ cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước các loại trái cây an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế với công suất 20.000 tấn/năm. Dự án với 2 hạng mục đầu tư gồm khu tập kết, thu mua, bảo quản, đóng gói theo tiêu chuẩn xuất khẩu và khu trồng sầu riêng với diện tích 40ha. Dự án sẽ tạo cơ hội việc làm cho khoảng 200 lao động tại địa phương. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế Biến & Phát triển thị trường nông sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, những dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn và kế hoạch đầu tư bài bản là những định hướng mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới. Ông Williem Schoustra, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, Bình Phước có rất nhiều lợi thế để phát triển như: điều, cao su và hồ tiêu. Nhưng với thổ nhưỡng đất đai màu mỡ, đất đỏ ít chịu tác động của thời tiết bão lũ là lợi thế để phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và trồng cây ăn quả. Hà Lan ủng hộ tập đoàn De Heus đầu tư chăn nuôi theo mô hình kiểm soát an toàn dịch bệnh để tạo ra sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Huỳnh Anh Minh đánh giá cao các dự án nông nghiệp công nghệ cao do các đơn vị trong và ngoài nước liên kết đầu tư vào tỉnh. Đây là lĩnh vực đang được khuyến khích đầu tư để hình thành vùng chuyên cảnh và chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi gây tác hại cho người chăn nuôi nhỏ lẻ thiêu an toàn. Phó Chủ tịch UBND đề nghị các dự án ký kết hợp tác sớm đầu tư đạt kết quả để khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp của Bình Phước phát triển đúng hướng và khai thác tốt tiềm năng về đất đai.
Dương Chí Tưởng