Tối 9/10, tỉnh Quảng Bình vẫn còn mưa, một số nơi có mưa to đến rất to. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, mưa lớn những ngày qua đã làm 13.020 nhà dân bị ngập. Các địa bàn bị ngập lụt nhiều chủ yếu ở huyện Lệ Thủy với 7.650 nhà, huyện Quảng Ninh có 4.398 nhà, huyện miền núi Minh Hóa 660 nhà, thị xã Ba Đồn 215 nhà… với mức nước ngập phổ biến từ 0,5-3m.
Toàn tỉnh hiện vẫn còn hơn 80 thôn, bản bị ngập lụt, chia cắt, cô lập. Cụ thể, huyện Minh Hóa có 16 bản/3 xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa; huyện Tuyên Hóa có 8 thôn, bản/5 xã là Đức Hóa, Ngư Hóa, Thạch Hóa, Lâm Hóa, Cao Quảng; huyện Bố Trạch có 13 bản/3 xã Thượng Trạch, Liên Trạch và xã Cự Nẫm; huyện Quảng Ninh có 40 thôn/8 xã bị chia cắt giao thông là các xã Trường Xuân, Trường Sơn, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh; huyện Lệ Thủy có 7 bản/2 xã Lâm Thủy và Kim Thủy; huyện Quảng Trạch có một số thôn ở xã Phù Hóa, Cảnh Hóa và xã Liên Trường; thị xã Ba Đồn có các thôn ngập cục bộ như Văn Phú, Cộng Hòa, Cồn Nâm, Tân Định, Minh Hà, Đông Thành, Cồn Sẻ…
Mưa to cũng làm 115 ha nuôi trồng thủy sản, 72 lồng bè nuôi cá bị hư hại nặng…; hơn 850 ha rau màu, ngô, sắn bị ngập úng và nhiều gia súc, gia cầm bị chết do nước lũ.
Nước lũ lên nhanh và chảy xiết đã khiến tàu cá của ông Nguyễn Thuận (sinh năm 1947, ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) neo tránh trú ở cầu Dài, thành phố Đồng Hới, bị chìm sáng 9/10.
Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp với gia đình tìm phương án trục vớt tàu chìm. Trong ngày, Đồn Biên phòng Nhật Lệ cũng đã tham gia cứu hộ, cứu nạn thành công một ngư dân bị nước lũ cuốn trôi khi đang chằng chống tàu thuyền tại bến thuyền Mỹ Cảnh, thành phố Đồng Hới. Hiện ngư dân bị nạn đã trở về nhà an toàn trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Chiều cùng ngày, Ủy ban nhân dân xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa) cho biết, trên địa bàn xã có một phụ nữ mất tích do nước lũ cuốn trôi. Nạn nhân là bà Hồ Thị Liêu, sinh năm 1973, dân tộc Chứt, trú ở bản Tà Rà, xã Dân Hóa. Hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tích cực triển khai.
Đến nay, nhiều điểm trên các tuyến đường như: Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 1 trên tuyến BOT tránh lũ; các tuyến Quốc lộ 12A, 15, 9B, 9C và 9E; các tỉnh lộ 559, 559B, 562, 564 và 564B, 567, 569 bị ngập, sạt lở khiến giao thông đi lại khó khăn và nguy hiểm.
Trước tình hình nước lũ dâng cao và nguy cơ sạt lở đất, huyện Lệ Thủy đã thực hiện di dời 59 hộ với 236 người; huyện Tuyên Hóa 148 hộ với 515 người; huyện Quảng Ninh có 54 hộ với 102 người; thành phố Đồng Hới di dời 5 hộ với 18 người ở phường Phú Hải đến nơi an toàn.
Để phòng, chống lũ lụt, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra, nắm tình hình, thăm hỏi người dân và đôn đốc các địa phương thực hiện công tác ứng phó mưa lũ.
Đến thăm nhân dân vùng ngập lụt huyện Lệ Thủy vào chiều 9/10, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Phong lưu ý, chính quyền địa phương và người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn khi ứng phó với mưa lũ. Đặc biệt, người dân không nên vớt củi, đánh bắt cá trên sông, hạn chế tối đa di chuyển khi không cần thiết; nghiêm túc thực hiện các phương án ứng phó theo sự hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã chủ động sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình tiếp tục duy trì nghiêm kíp trực; thường trực 100% quân số tại cơ quan, đơn vị; sẵn sàng lực lượng cơ động (30% quân số), phương tiện để tham gia ứng phó mưa lớn, ngập lụt trên các hướng khi có lệnh... Công an tỉnh chủ động thành lập các tổ công tác trực ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng tăng cường cho công an các địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn…
Sở Giao thông - Vận tải Quảng Bình cũng chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến chính. Công ty Điện lực Quảng Bình cũng chủ động triển khai các phương án phòng chống, xử lý kịp thời, an toàn các tình huống; tăng cường lực lượng tại các vị trí trực và các Trạm biến áp trung gian, trạm cắt để sẵn sàng xử lý, khắc phục các sự cố.
Võ Dung