Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Tòng Thị Phóng nhiệt liệt chúc mừng và ghi nhận những đóng góp, cống hiến của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đối với đất nước; đồng thời nhấn mạnh, trong suốt 50 năm qua, các thế hệ văn nghệ sỹ luôn luôn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng gắn Huân chương Lao động hạng Nhì lên lá cờ truyền thống của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chia sẻ, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã trải qua hơn 30 năm và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sự nghiệp xây dựng đất nước đang đứng trước tiền đồ hết sức vẻ vang, song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông còn diễn ra gay gắt. Các thế lực thù địch, phản động ra sức thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, trong đó có việc thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn học nghệ thuật.
Trong bối cảnh đó, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cần quan tâm, động viên, khích lệ hội viên nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Hội cần tích cực, chủ động chuyển trọng tâm từ nghiên cứu, sưu tầm sang nghiên cứu chất lượng cao, áp dụng các lý thuyết mới, các phương pháp nghiên cứu mới vào thực tiễn để xây dựng các công trình có giá trị cao về khoa học và tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời, tiếp tục sưu tầm những giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian, phấn đấu hoàn chỉnh bộ công trình về di sản văn hóa dân gian của 54 dân tộc ở nước ta.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Hội cần chú ý công tác nghiên cứu ứng dụng văn hóa dân gian với vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó tập trung vào việc ứng dụng những tri thức dân gian với vấn đề biến đổi khí hậu, ứng dụng và phát triển những giá trị của văn hóa dân gian để xây dựng và phát triển ngành du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 08-NỌ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Bên cạnh đó, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tiếp tục phấn đấu để thực sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ nhà nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dân gian cả nước, trong đó cần bám sát đặc điểm văn hóa vùng miền, từng dân tộc để nghiên cứu, làm sao cho mỗi công trình phản ánh chân thực nhất những giá trị văn hóa hồn cốt của dân tộc.
“Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, những công trình nghiên cứu văn hóa dân gian cần góp phần giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của người Việt Nam; khơi dậy lòng tự hào dân tộc; lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tin vào lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng”, đồng chí Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Đồng chí Tòng Thị Phóng cũng đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp và giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí của mình là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp quan trọng, hoàn thành xuất sắc trọng trách được Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Trong hơn 30 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, văn hóa văn nghệ dân gian nước nhà tiếp tục phát triển, đội ngũ nhà nghiên cứu và văn nghệ sỹ trưởng thành nhanh chóng. Hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian ngày càng phong phú. Tôn chỉ mục đích của Hội là “Sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thực sự trở thành một trong những đội quân chủ lực góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc.
Hiện nay, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có trên 1.400 hội viên, số công trình do hội viên của Hội đã hoàn thành lên đến gần 4000 công trình. Đặc biệt được sự quan tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, Dự án “Công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” được thực hiện. Trong 10 năm, Dự án đã xuất bản được 2.500 trong số gần 4.000 công trình đã nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam; trong số 2.000 đơn vị được thụ hưởng thành quả của Dự án, có hơn 400 đơn vị là các đồn bộ đội biên phòng, thư viện các huyện miền núi biên giới, hải đảo, các trường phổ thông dân tộc nội trú...
Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh cho biết "Trong những năm tới, Hội vẫn tiếp tục sưu tầm các biểu hiện văn hóa dân gian chưa được sưu tầm. Trên cơ sở hàng ngàn công trình đã tích lũy được, Hội chuyển mạnh sang việc khám phá những giá trị, những quy luật tư duy sáng tạo của ông cha đang còn tiềm ẩn trong các tác phẩm, phong tục, biểu tượng... Việc tham khảo những lý thuyết nghiên cứu đã có trên thế giới như cấu trúc luận, biểu tượng luận, loại hình học, chức năng luận, nhất là cơ chế tổng thể nguyên hợp trong sáng tạo của văn hóa, văn nghệ dân gian và nhiều lý thuyết khác nữa là điều cũng sẽ được các cấp hội quan tâm".
Nguyễn Bích Thủy
TTXVN