Hội thảo “Xây dựng năng lực thích ứng biến đổi môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long”

Hội thảo “Xây dựng năng lực thích ứng biến đổi môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long”
Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về môi trường, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về hiện trạng biến đổi môi trường tại Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu, thích ứng với hiện trạng đó.

Bà Hồ Thị Thu Hồ (Đại học Cần Thơ) nêu thực trạng môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bị biến đổi theo chiều hướng ngày càng khắc nghiệt. Nguyên nhân đến từ sự biến đổi môi trường toàn cầu, sự can thiệp thô bạo của các quốc gia lên dòng chính sông Mekong, và đến từ chính ý thức bảo vệ môi trường chưa cao của người dân địa phương. Những dấu hiệu cảnh báo từ thiên nhiên ngày càng rõ nét: Thiên tai, nguồn nước sinh hoạt truyền thống bị ô nhiềm, cây trồng vật nuôi trở nên mãn cảm và thường xuyên bị nhiễm bệnh, nguồn sinh vật tự nhiên bị cạn kiệt…


Cùng quan điểm trên, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature đưa ra các con số: Năm 2016, lần đầu tiên Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu trận hạn hán lịch sử, tàn khốc nhất trong 100 năm qua. Đợt hạn hán này khiến cho nước biển xâm thực, đất đai nhiễm mặn, cây trồng chết hàng loạt, nhiều địa phương trong khu vực mất hơn 95% diện tích lúa canh tác. Năm 2017, Đồng bằng sông Cửu Long chứng kiến mùa nước nổi gần như không sản vật, khi lượng tôm cá đầu nguồn chảy về giảm đáng kể. Bên cạnh đó, do tác động của các đập thủy điện, lượng nước chảy về Đồng bằng sông Cửu Long còn bị giảm phù sa, khiến hàng loạt tỉnh như Cà Mau, An Giang, Tiền Giang bị lâm vào tình trạng sạt lở bờ sông, nhà cửa…

Bên cạnh những tác nhân bên ngoài đó, sự biến đổi môi trường tại Đồng bằng sông Cửu Long còn đến từ những nguyên nhân nội tại, từ sự phát triển kinh tế không bền vững, những ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Quang (Đại học Cần Thơ) phân tích: 2/3 dự án kinh tế trong vùng là những dự án gây ô nhiễm cao, như: giấy, nhiệt điện than,… Nguồn lợi từ nông – thủy sản cũng kéo theo những mặt trái là sự ô nhiễm môi trường do thức ăn thừa, ước tính khoảng 73 triệu tấn phân/năm… Tốc độ đô thị hóa quá nhanh cũng gây những bất cập trong xử lý chất thải sinh hoạt. Song song đó là phương cách khai thác tài nguyên thiên nhiên theo kiểu tận diệt: Khai thác nước ngầm và cát vô tội vạ khiến đồng bằng sụt lún, nước biển xâm nhập mặn sâu vào đất liền; chặt phá cây rừng khiến đất ven biển bị xói mòn, khí hậu nóng lên…

Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Minh Quang đề xuất giải pháp truyền thông nhằm thay đổi nhận thức cho người dân về tính cấp thiết, mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đời sống người dân. Từ đó có thể tạo nền tảng hướng tới thay đổi hành vi, với phương châm “Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta”. Cùng với đó, chúng ta phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, thông qua Ủy hội sông Mekong về những dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong của những nước nằm ở thượng nguồn. Các dự án này phải được đặt dưới sự giám sát chặt của cộng đồng quốc tế, nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm những quy định về đảm bảo dòng chảy chính, hài hòa những nguồn lợi về thủy sản, phù sa… giữa các quốc gia có sông Mekong chảy ngang.

Các tác giả Dương Thị Chúc Huyền, Danh Đện (Cà Mau) đề xuất phương án tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa, nhằm giảm thiểu việc xả rác ra môi trường cũng như có phương án sản xuất thích ứng với biến đổi môi trường. Cụ thể, tại các vùng ngập mặn hoặc có nguy cơ ngập mặn cao như: Cà Mau, Bến Tre… nên quy hoạch giống cây, con sinh trưởng tốt trong môi trường nước mặn thay vì cố gắng cải tạo nguồn nước thành nước ngọt. Ngoài ra, trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người nông dân cũng cần được định hướng làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh thân thiện môi trường.

Các giải pháp tưới chính xác, giám sát quy trình nuôi trồng bằng cảm biến, sử dụng phân bón hữu cơ, diệt sâu bọ bằng quang – nhiệt học, bằng thiên địch thay vì hóa chất… được các nhà khoa học khuyến nghị nhà vườn sử dụng.

Tại hội thảo, các nhà khoa học còn đề nghị chính quyền các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần có nhiều biện pháp hữu dụng hơn nữa trong các chính sách kéo dãn tốc độ đô thị hóa, mở rộng trung tâm nhằm giảm tỷ lệ di dân ồ ạt, gây mất cân bằng giữa cơ sở hạ tầng và mật độ dân số, dẫn tới ô nhiễm môi trường.
Ánh Tuyết 

Có thể bạn quan tâm