Hội thảo về ứng xử với môi trường Biển Đông

Hội thảo về ứng xử với môi trường Biển Đông
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khẳng định: Đây là diễn đàn khoa học với các mục tiêu đề cập tới những vấn đề tài nguyên và môi trường biển trong khu vực Biển Đông đang từng ngày từng giờ chịu sự tác động tiêu cực của con người; Các đại biểu đã trao đổi các kết quả nghiên cứu, đánh giá từ góc độ khoa học và luật pháp quốc tế trong bối cảnh môi trường chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh của khu vực biển Đông đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hàng hải. Hội thảo cũng tập hợp những đề xuất, kiến nghị Chính phủ các nước liên quan trực tiếp và gián tiếp trong khu vực, tăng cường hợp tác, quản lý hiệu quả các hoạt động của con người tới môi trường Biển Đông. 
 
Hội thảo về ứng xử với môi trường Biển Đông ảnh 1

Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) năm 2015. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN


Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về các nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng, vận tải và khai thác quá mức gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và nguồn lợi kinh tế từ biển. Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, 10 chuyến điều tra nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011- 2014 trên toàn vùng biển Việt Nam đã thống kê được 974 loài hải sản thuộc 462 giống nằm trong 191 họ khác nhau với nhiều loại hải sản có giá trị. Tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam là 4,25 triệu tấn và khả năng khai thác bền vững khoảng 1,75 triệu tấn. So với giai đoạn 2000- 2005, tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản biển Việt Nam đã suy giảm khoảng 16,2%, chủ yếu diễn ra ở nhóm hải sản tầng đáy và nhóm cá nổi nhỏ. Việc nghiên cứu trữ lượng hải sản góp phần khẳng định thêm về chủ quyền biển đảo, đồng thời đưa ra được giải pháp tối ưu trong định hướng, điều động tàu thuyền khai thác và đánh bắt tại các vùng biển Việt Nam. 

GS.TS Edgardo D. Gomez, Viện Khoa học biển, Đại học Philippines, đánh giá việc san lấp biển quy mô lớn trên Biển Đông trong thời gian gần đây của Trung Quốc cùng với các hoạt động đánh bắt cá mang tính hủy diệt đã ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái ở khu vực này như sự vùi lấp san hô, các loại rùa biển, một vài loại cá mập, loài trai tai tượng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. GS Edgardo D.Gomez kiến nghị các quốc gia có liên quan đến khu vực biển Đông đang làm suy thoái và hủy hoại những hệ sinh thái biển phải chấm dứt những hành động xâm hại tới năng suất và đa dạng sinh học của các vùng biển trong Biển Đông. Ngăn chặn việc khai thác các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. 

GS Luc Hens, Chủ nhiệm Khoa Sinh thái Nhân văn, Đại học Tự do Brussels, Vương Quốc Bỉ và TS. Trần Đình Lân, Viện trưởng Viện y học Biển Việt Nam đã có báo cáo đánh giá tác động của sự cố tràn dầu đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Theo hai tác giả này, mỗi năm xảy ra trung bình 3 vụ tràn dầu, đó là chưa kể đến những vụ tràn dầu không được thống kê. Vị trí xảy ra tràn dầu thường ở vùng biển khơi, vùng bờ biển, bãi sông, cảng. 

Thời điểm thường xuyên xảy ra sự cố này vào tháng 5 và tháng 12 hàng năm. Việc tràn dầu, tràn hóa chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhưng những tác động của tràn dầu chưa được đánh giá đúng mức. Hai tác giả kiến nghị các cơ quan liên quan cần phải lập được mô hình và quan trắc, trong đó công bố kết quả quan trắc trên cơ sở hàng ngàn sự cố xảy ra, lập mô hình dự báo ảnh hưởng và tác động của các hoạt động trên biển và sự cố. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về tràn dầu. 

Cũng trong buổi hội thảo, các đại biểu còn thảo luận về các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông và một số vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay, vấn đề tự do hàng hải và kiến nghị một số giải pháp như các nước có lợi ích trên Biển Đông cũng như cộng đồng quốc tế phải phối hợp hành động một cách đầy đủ, toàn diện, dựa trên cơ sở Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 để phản đối lại những hành động phi pháp của Trung Quốc liên quan đến khu vực Biển Đông. 

Việt Nam là nước có chủ quyền rõ ràng và không thể chối cãi với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về chính trị, ngoại giao, pháp lý và xây dựng nền tảng vững chắc để thực thi hiệu quả chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, các đảo và quần đảo, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và vùng trời phía trên vùng biển liên quan.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm