|
Tại hội thảo, đại diện của các trường đại học, cao đẳng phía Bắc và miền Trung (từ Quảng Nam trở ra) đã trao đổi, thảo luận những lợi ích, hạn chế còn tồn tại của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua.
Đa số các đại biểu đánh giá cao những thay đổi lớn của kỳ thi năm nay giúp cho việc tuyển sinh đỡ nặng nề, tốn kém. Các trường đại học, cao đẳng có nhiều lựa chọn cách tuyển sinh, tiến hành tuyển nhanh hơn. Tuy nhiên, cách tổ chức thi THPT và cách tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đặt ra nhiều vấn đề, nhất là về mặt kỹ thuật, cần thảo luận, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong các năm tới.
Một số chuyên gia cho rằng nên thay đổi nội dung, phương pháp, cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp với trình độ học sinh; phân cấp việc tổ chức thi cho các sở Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, để có thể sử dụng kết quả thi THPT vào mục đích tuyển sinh đại học, cao đẳng, đề thi cần có tính phân loại cao. Việc phân cấp quản lý tuyển sinh đại học, cao đẳng phải phù hợp theo hướng tăng cường tính tự chủ cho các trường.
Tổng hợp các ý kiến đóng góp của các trường, Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT phải phù hợp với tính chất đánh giá theo yêu cầu trình độ phổ thông. Vì vậy, để việc tổ chức thi nhẹ nhàng, thuận tiện, cần cân nhắc việc phân cấp tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp cho các sở Giáo dục và Đào tạo.
Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, theo Giáo sư Trần Hồng Quân, Luật Giáo dục đại học đã quy định cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Do vậy, vấn đề có cần thi tuyển hay không và cách thức thi tuyển như thế nào là do các trường tự quyết định.
Phát biểu sau khi nghe những ý kiến đóng góp thẳng thắn từ đại diện các trường đại học, cao đẳng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xây dựng của các chuyên gia. Đây là cơ sở quan trọng giúp Bộ có những điều chỉnh hợp lý để tổ chức kỳ thi năm 2016 được thành công hơn.
Liên quan đến công tác ra đề thi và tổ chức các cụm thi, thứ trưởng cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo không đứng ra làm tất cả các việc mà cần sự tham gia của nhiều đơn vị. Ví dụ như việc ra đề thi, bộ mời các thầy, cô giáo ở trường phổ thông và các giảng viên đại học là những thành viên làm đề thi. Việc tổ chức các cụm thi cũng chính là các trường phổ thông, các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học trực tiếp thực hiện.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Thành công của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là nhờ sự chung sức của toàn xã hội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ các đồng chí lãnh đạo đến những người dân bình thường đều có những việc làm, hành động thiết thực chung tay, góp sức tổ chức kỳ thi.
Về việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định: Bộ đã giao quyền tự chủ cho các trường thông qua đề án tuyển sinh riêng và bộ hoàn toàn ủng hộ các trường thực hiện theo chủ trương này.
Tuy nhiên, để có thể tự chủ trong tuyển sinh còn phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi trường. Do vậy, trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, nhiều trường đã lựa chọn cách thức tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.