Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam sẽ diễn ra ngày 27/2

Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Ảnh: baotanglichsu.vn
Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Ảnh: baotanglichsu.vn

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã kí văn bản số 371/KH-BVHTTDL về việc tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức vào ngày 27/2. Hội thảo sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới 63 điểm cầu ở trụ sở tỉnh, thành ủy hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chương trình hội thảo đề cập đến 2 nội dung chính là: "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam"; "Văn hoá, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới".

Trước khi diễn ra hội thảo, các đại biểu sẽ dự lễ khai mạc Triển lãm ảnh “80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam sẽ diễn ra ngày 27/2 ảnh 1Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Ảnh: baotanglichsu.vn

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” góp phần tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.

Thông qua hội thảo, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và nhận thức sâu sắc thêm các giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử. Đồng thời nêu rõ những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng.

Hội thảo cũng sẽ nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu chấn hưng văn hoá, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam sẽ diễn ra ngày 27/2 ảnh 2Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Ảnh: baotanglichsu.vn

Hội thảo được tổ chức đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, đúng mục đích đã đề ra, tạo sự lan toả, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và khát vọng cống hiến của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nói chung, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ cả nước nói riêng...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện của Đảng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Ngay từ những năm đầu tiên, Đảng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển chung của dân tộc. Đề cương văn hóa năm 1943 ra đời đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược này. Trải qua thời gian, ba nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương “Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa” đã luôn chứng minh tính đúng đắn, định hướng cho sự phát triển văn hóa. Bối cảnh năm 1943 đã đặt ra những vấn đề cấp bách để bản đề cương văn hóa đầu tiên của Việt Nam ra đời, giúp cho những người làm văn hóa, đặc biệt là những nhà quản lý về văn hóa được định hướng những nguyên tắc để phát triển văn hóa theo hướng đề cao tính dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Trải qua 80 năm, cho đến ngày hôm nay, chúng ta chứng kiến đời sống xã hội đã trải qua rất nhiều thay đổi, thăng trầm nhưng trong bất kỳ giai đoạn nào, bối cảnh nào thì Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị.

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm