Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Chương Đài – TTXVN |
Theo số liệu thống kê mới nhất của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có gần 2.400 hợp tác xã, 11 liên hiệp Hợp tác xã, hơn 17.000 tổ hợp tác, thành lập mới hơn 200 hợp tác xã, giải thể 80 hợp tác xã. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã là hơn 8 tỷ đồng/năm, tăng 2,34% so với năm 2017. Lãi bình quân của một hợp tác xã là gần 500 triệu đồng/năm, tăng 4,1% so với năm 2017. Thu nhập bình quân của một lao động trong hợp tác xã là 46 triệu đồng/năm, tăng 15% so với năm 2017.
Tuy nhiên, theo đại diện của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong những biến động của tình hình trong nước và quốc tế cũng đã đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng và phát triển hợp tác xã kiểu mới; trong đó, 6 vấn đề cấp bách cần giải quyết để phát huy vị thế, vai trò của hợp tác xã kiểu mới. Đó là vấn đề người nông dân sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng không biết nhu cầu thị trường. Nông dân cần vốn nhưng không đủ điều kiện vay vốn; năng suất tăng liên tục nhưng thu nhập tăng rất chậm. Mặt khác, câu chuyện nông dân cần liên kết với doanh nghiệp còn rất khó khăn, trong khi đó, người nông dân sản xuất còn manh mún, riêng lẻ,…
Ông Peter Kuhlmann, Giám đốc Dự án cấp cao DGRV tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Chương Đài – TTXVN |
Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Đức, Nhật Bản cũng chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất ý kiến giúp phát triển các hợp tác xã của Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung. Ông Peter Kuhlmann, Giám đốc Dự án cấp cao DGRV tại Việt Nam cho rằng, để thành công, mỗi hợp tác xã cần có khả năng kinh tế mạnh trong lĩnh vực của mình, có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp để các thành viên nhận thức rõ vai trò của mình đối với sự phát triển của hợp tác xã hay nói cách khác, đó chính là tinh thần hợp tác.
Cũng bàn về hợp tác xã tiên tiến, ông Kimura Yoshihisa, Chuyên gia JICA, Cố vấn về Nông nghiệp Tổng hợp và Phát triển nông thôn nói, phải phát triển hạ tầng nông nghiệp, tích tụ ruộng đất cho những nông dân giỏi. Đặc biệt, phải xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm có giá trị cao, có chứng nhận an toàn, chất lượng.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, chặng đường 3 năm thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp nhận ra điểm nghẽn của tái cơ cấu nông nghiệp là sự hợp tác giữa những người nông dân. Do đó, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh tập trung để xây dựng các hợp tác xã đủ mạnh để trở thành cứu cánh để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì Hội thảo. Ảnh: Chương Đài – TTXVN |
Nền kinh tế đã thay đổi, cho nên không thể tái cơ cấu với kinh tế hộ cá thể, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thay vào đó là tư duy mua chung, bán chung, dung chung dịch vụ để tạo ra sức mạnh cả vật chất và tinh thần. Hiện tại, Đồng Tháp đang định vị lại và hướng tới giá trị cốt lõi là tạo ra lợi nhuận cho thành viên hợp tác xã, lợi ích cho hợp tác xã, thay đổi quy trình sản xuất hướng tới nền sản xuất tốt hơn, mang lại phúc lợi cao cho hợp tác xã và người dân nông thôn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tỉnh hiện có 1.103 tổ hợp tác, 205 Hợp tác xã (riêng trong năm 2018 đã có 21 Hợp tác xã thành lập mới, nhiều nhất trong 5 năm gần đây) hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020”, địa phương đã chọn ra 9 Hợp tác xã thuộc 3 lĩnh vực như lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản để tham gia. Trong thời gian qua, Sở đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho 5/9 hợp tác xã mua máy móc, thiết bị...
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá cao việc người dân và cả hệ thống chính trị Đồng Tháp tham gia trao đổi, bàn bạc về câu chuyện kinh tế hợp tác. Người nông dân là người trực tiếp tạo ra các sản phẩm đã dần thay đổi tư duy; hình thức hoạt động của các tổ chức hợp tác hoạt động có bài bản, sáng tạo, hiệu quả và điểm nhấn là chính quyền đã “truyền lửa” cho người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Chương Đài – TTXVN |
Đồng thời, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, mô hình Hội quán ra đời tại Đồng Tháp chính là bước tập dượt để người dân thay đổi nhận thức từ làm ăn cá thể đến tập thể theo hướng dân chủ. Đồng thời, là bước đệm vững chắc để tiến lên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới trong bối cảnh mới, thời đại mới.
Bàn về các yêu cầu của Hợp tác xã kiểu mới, Chủ tịch Liên Minh hợp tác xã nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường, phải đổi mới nhận thức của các cấp, các ngành, thành phần kinh tế và quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của hợp tác xã nông nghiệp.
Song song đó, phải quán triệt tinh thần thành lập hợp tác xã phải có sự điều hành sản xuất linh hoạt; phải hoạt động dựa trên nguyên tác tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Quá trình hoạt động phải lấy tinh thần liên kết tạo làm sợi dây xuyên suốt, từ đó tạo nên sức mạnh cộng đồng để tiếp cận nguồn lực (nhất là nguồn vốn), giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập…
Chương Đài