Hội nghị Báo chí 2021: Tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hoạt động của báo chí

Hội nghị Báo chí 2021: Tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hoạt động của báo chí

Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố…

Hội nghị Báo chí 2021: Tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hoạt động của báo chí ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Hội nghị đã nghe Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Báo cáo kết quả ba năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị đã nghe nhiều tham luận, trao đổi, chia sẻ về các vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí- tuyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức để từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022 và trong giai đoạn tới.

Cung cấp thông tin sớm, chính xác về những vấn đề xã hội quan tâm

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cám ơn báo giới đã đồng hành, góp phần rất quan trọng, không thể thiếu để giúp Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ của mình trong năm vừa qua với nhiều sự kiện lớn, trong tình hình đại dịch rất phức tạp, gây những tổn thất rất to lớn về người, về của.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam đã vượt qua những thách thức, duy trì công công xây dựng đất nước, phấn đấu phát triển nhanh nhất có thể theo hướng bền vững, thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước.

Hội nghị Báo chí 2021: Tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hoạt động của báo chí ảnh 2Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Nhìn lại hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế vẫn tăng trưởng thuộc nhóm khá trên thế giới. Lòng tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là trong chống dịch, được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Kể cả trong những thời khắc dịch bệnh bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh, gây quá tải hệ thống y tế, để xảy ra tử vong nhiều người, tỷ lệ người dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước vẫn cao nhất thế giới.

“Có được điều đó trước hết là truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, và có sự đóng góp rất quan trọng của công tác thông tin, truyền thông, trong đó có báo chí, hệ thống tuyên giáo. Các nhà báo thực sự là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời phản ánh những tấm gương, hành động, nghĩa cử, giá trị cực kỳ cao quý, nhân văn của người dân Việt Nam. Có những nhà báo, cả gia đình họ đã chịu nhiều vất vả trực tiếp, nhiều người bị nhiễm bệnh”, Phó Thủ tướng nói.

Trao đổi về diễn biến dịch bệnh trong nước, nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron, Phó Thủ tướng cho rằng các giải pháp kỹ thuật như tăng cường tiêm vaccine, chuẩn bị thuốc điều trị, oxy y tế, nâng cao năng lực y tế cơ sở… đã có nhưng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, động viên để người dân đồng thuận, tham gia.

“Với sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đến nay chúng ta đã lo đủ vaccine để tiêm mũi 3 và tiêm rất nhanh so với các nước trên thế giới nhờ sự tự nguyện của người dân và phải tiếp tục vận động người dân tiêm vaccine để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Chia sẻ về một số vấn đề trong quản lý, phát triển báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng công tác quy hoạch, sắp xếp báo chí thực hiện được một bước, và cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong, “không thể nóng vội”.

“Mục đích quy hoạch báo chí để báo chí phát triển, không chỉ là tiếng nói của từng cơ quan chủ quản mà còn của nhân dân. Việc thực hiện cơ chế, chính sách quản lý phải nghiêm, thực chất, kiến nghị, bổ sung, điều chỉnh những gì không phù hợp. Tránh tình trạng thực tế không như văn bản”, Phó Thủ tướng khẳng định và nêu một số ví dụ cụ thể như “theo quy định mỗi một cơ quan chủ quản có một tạp chí, một viện nghiên cứu khoa học chỉ có một tạp chí, trong khi, trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ có rất nhiều phân ngành nhỏ hay hoạt động của tạp chí trực thuộc hội khoa học, kỹ thuật”.

“Năm 2022, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, chúng ta phải đánh giá việc thực hiện quy hoạch báo chí xem những gì phù hợp, chưa phù hợp nhằm giúp báo chí phát triển, tránh xu hướng chạy theo thị trường quá mức, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, làm lệch lạc trong hoạt động thông tin báo chí”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Theo Phó Thủ tướng, muốn báo chí tự chủ được, phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ Thông tin và Truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ, ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. “Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Trước sự cạnh tranh của thông tin trên mạng xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng báo chí cần được thông tin minh bạch một cách nhanh nhất có thể về những “điểm nóng” hay sự cố vừa phát sinh. Qua theo dõi, quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam để chủ động hơn trong dự báo, cảnh báo; phối hợp, đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin sớm nhất, chính xác cho báo chí về những vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm. “Khi báo chí chính thống minh bạch được thông tin một cách sớm nhất, nhân dân, công luận sẽ nghe theo”.

Về thực hiện chuyển đổi số trong báo chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cùng với hình thành cơ sở dữ liệu, mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm đến năng lực xử lý dữ liệu của đơn vị mình. Các tác phẩm báo chí “nói có sách, mách có chứng” bằng số liệu, thậm chí là những số liệu qua phân tích nhiều dữ liệu khác mới định hướng, trả lời được mong mỏi của công luận. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam có chương trình hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, xây dựng và xử lý cơ sở dữ liệu.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới… Phó Thủ tướng mong muốn báo chí bám sát, phản ánh đúng thực tế, động viên nhân dân chống dịch tốt, chuẩn bị đón Tết đầm ấm trong bối cảnh dịch bệnh.

Đề cao sứ mệnh trách nhiệm và nâng cao hoạt động của báo chí

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh tới việc tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hoạt động của báo chí thời gian tới.

Hội nghị Báo chí 2021: Tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hoạt động của báo chí ảnh 3Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, năm 2021, cùng với những kết quả chung đất nước đã đạt được, đặc biệt là trong phòng, chống dịch COVID-19, khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, giữ vững sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân... có vai trò đóng góp rất lớn của báo chí cả nước.

Điểm nổi bật rõ nét năm qua của báo chí là tập trung tuyên truyền sâu, đậm, toàn diện về Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ... Đây đều là những sự kiện chính trị lớn, công việc quan trọng của đất nước, có sự góp phần không nhỏ của lực lượng làm công tác báo chí. Đặc biệt báo chí đã thể hiện sự kịp thời, tính định hướng, chuyên nghiệp, nhân văn trong thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi sản xuất kinh doanh; nêu bật sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, quyết tâm của hân dân trong thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; hướng dẫn, phổ biến cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch để người dân không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang lo sợ...

Năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được duy trì và tăng cường, có sự gắn kết giữa đấu tranh trên báo chí với các loại hình truyền thông khác, tạo nên một thế trận hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng, gắn kết mang lại kết quả rõ nét. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn và có trọng tâm, trọng điểm. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch, hướng dẫn, kịch bản tuyên truyền... đối với các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước; những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm.

Để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác tuyên giáo năm 2022, tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh vẻ vang của mình, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu công tác báo chí cần tập trung thực hiện tốt một số việc. Trong đó, việc đầu tiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh những người làm công tác báo chí cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng. Cho rằng những nội dung này không mới, tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc quán triệt, nâng cao nhận thức về báo chí cách mạng giúp những người làm báo vững vàng trước mọi sóng gió, thử thách, phát huy được vai trò định hướng dư luận, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đồng chí cho biết.

Đồng chí lưu ý cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo việc thông tin tuyên truyền nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bởi chỉ trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, báo chí mới có thể thông tin, tuyên truyền một cách hiệu quả, bảo đảm yêu cầu đề ra. Báo chí phải tham gia một cách chủ động, tích cực, coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đồng chí đề nghị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, mở chuyên mục, chuyên trang... để làm thật sâu sắc, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về chủ đề này, qua đó khơi dậy quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đồng thời phát huy vai trò và nêu cao trách nhiệm của hệ thống báo chí, xuất bản trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay. Tăng cường các thông tin chính thống, tích cực; kết hợp giữa “xây” và “chống”; chú trọng những bài viết, chương trình đặc sắc với cách thể hiện sáng tạo, gắn kết nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn, góp phần tạo dòng thông tin chủ lưu, chính thống, đấu tranh, phản bác trực diện, kịp thời, đồng thời, định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nói riêng của đất nước.

Đánh giá, thời gian qua báo chí đã làm khá tốt tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế- xã hội, tuy nhiên đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ mỗi thời điểm, giai đoạn lại có những yêu cầu, đòi hỏi mới nên cần làm tốt hơn, sáng tạo hơn; cần bám sát diễn biến thực tế, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa thông tin phòng, chống, dịch với thông tin phục hồi phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác; khơi dậy sự đồng lòng, quyết tâm, tin tưởng của nhân dân đối với cấp ủy chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành nội dung quan trọng này.

Năm 2022, đẩy mạnh triển khai giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại; khẳng định và nâng cao vai trò của báo chí đối với văn hóa, tham gia vào công tác thông tin đối ngoại...

"Chúng ta đang hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025. Đây là sự kiện trọng đại, một mốc lịch sử quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng ta sẽ phải làm gì và làm như thế nào để xứng đáng với lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và để góp phần hiện thực hiện mục tiêu quan trọng 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập Nước mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra? Đây là vấn đề lớn mà tất cả những người đang hoạt động trong ngành Báo chí đều phải quan tâm, phải có ý chí mạnh mẽ để tìm ra giải pháp thật sự xứng tầm, cụ thể, thiết thực để thực hiện"- Trưởng Ban Tuyên giáo nhấn mạnh.

Quỳnh Hoa - Diệp Trương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm