Hội nghị Báo chí 2021: Bảo đảm các cơ quan báo chí có định hướng rõ ràng, có nguồn lực phát triển đúng hướng

Tập thể có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Tập thể có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, diễn ra sáng 24/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đã báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc; đồng thời nêu rõ những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm, các nhận thức mới, từ đó đề xuất các mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới.

Hội nghị Báo chí 2021: Bảo đảm các cơ quan báo chí có định hướng rõ ràng, có nguồn lực phát triển đúng hướng ảnh 1Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyên thông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tạo tiền đề thúc đẩy phát triển báo chí cách mạng

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 (Quy hoạch) là chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm sắp xếp lại hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, bảo đảm các cơ quan báo chí có định hướng rõ ràng, có nguồn lực phát triển đúng hướng, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, làm tốt sứ mệnh bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả công cuộc đổi mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương này đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/ 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch và đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai bài bản, cơ bản đúng tiến độ, đúng quy định, đem lại kết quả bước đầu tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn thúc đẩy phát triển báo chí cách mạng.

Hội nghị Báo chí 2021: Bảo đảm các cơ quan báo chí có định hướng rõ ràng, có nguồn lực phát triển đúng hướng ảnh 2Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Về việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với quyết tâm chính trị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng các cơ quan liên quan tổ chức triển khai việc sắp xếp theo đúng phương án của Quy hoạch. Đối với các cơ quan báo chí in, báo điện tử, đến nay, việc sắp xếp đã cơ bản hoàn thành tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương. Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí.

Khối phát thanh, truyền hình (báo nói, báo hình) đã hoàn thành việc sắp xếp. Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện xong việc sắp xếp các kênh truyền hình khu vực của các Trung tâm Truyền hình khu vực của Đài, hình thành 2 kênh truyền hình quốc gia VTV8 và VTV9; thực hiện sắp xếp 3 đơn vị hoạt động truyền hình (sản xuất chương trình để phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam) của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Mỗi Đài Phát thanh-Truyền hình địa phương có 1 kênh phát thanh thời sự chính trị tổng hợp, 1 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chỉ duy trì 1 kênh truyền hình thiết yếu/đài…

Đối với việc xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân định hướng, cùng xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện với những cách tiếp cận khác nhau. Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc, trao đổi và có văn bản gửi 6 cơ quan nêu các nội dung gợi mở, hướng dẫn trong xây dựng đề án nhằm định hướng để các cơ quan bám sát mục tiêu, xác định rõ nội hàm chủ lực, thế mạnh đặc thù riêng, tránh chồng chéo, gây lãng phí.

Về rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí, thực hiện Quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan chủ quản thực hiện trách nhiệm theo quy định Luật Báo chí, rà soát về cơ cấu tổ chức, kinh tế báo chí, các nội dung liên quan hoạt động báo chí; đánh giá việc thực hiện quy định của Luật Báo chí của cơ quan báo chí trực thuộc; từ đó, đề xuất, kiến nghị về việc cấp lại giấy phép đối với các cơ quan báo chí xét thấy cần thiết và đủ điều kiện hoạt động. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương rà soát điều kiện hoạt động báo chí, trong đó có điều kiện về người đứng đầu cơ quan báo chí.

Hội nghị Báo chí 2021: Bảo đảm các cơ quan báo chí có định hướng rõ ràng, có nguồn lực phát triển đúng hướng ảnh 3Tập thể có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xem xét, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí cho hơn 130 cơ quan báo chí, trong đó có một số cơ quan báo chí được cấp lại giấy phép cùng với cấp phép thực hiện thêm loại hình điện tử. Có một số trường hợp tạp chí đã hết thời hạn của giấy phép hoạt động báo chí nhưng chưa được xem xét cấp phép lại vì quá trình xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan báo chí cho thấy nhiều vấn đề không đảm bảo đủ điều kiện có thể cấp phép hoạt động tiếp tục.

Việc cấp phép được trao đổi, thống nhất với Ban Tuyên giáo Trung ương. Quy trình cấp phép được thực hiện đúng quy định, chặt chẽ; tôn chỉ mục đích của các tạp chí rõ ràng thể hiện rõ tính chuyên sâu, chuyên ngành và đăng tải các nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn phản biện chính sách về lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.

Qua rà soát, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá, đề xuất và thống nhất ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp tổ chức làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đề nghị Liên hiệp Hội rà soát, đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của các Hội, Viện trực thuộc; có ý kiến đối với đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động báo chí của các Viện; xây dựng Quy chế phối hợp trong chỉ đạo, quản lý để các tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đăng tải các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, tránh tình tình sử dụng giấy phép tạp chí khoa học để hoạt động như cơ quan báo.

Đối với việc rà soát, bổ sung quy định, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ công tác quy hoạch và phát triển báo chí, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, trong thời gian Luật Báo chí năm 2016 chưa được sửa đổi, để xác định rõ tính chuyên sâu, chuyên ngành của tạp chí, tên gọi và hình thức trình bày của tạp chí, xác định rõ phạm vi tôn chỉ, mục đích nhằm xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó đã bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới mà Luật Báo chí quy định, tăng tính răn đe (nâng mức xử phạt bằng tiền và thêm hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép), đồng thời, mở rộng thẩm quyền cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố Trung ương xử phạt vi phạm hành chính đối với cả các cơ quan báo chí trực thuộc Trung ương, góp phần tăng hiệu quả ngăn ngừa vi phạm trong hoạt động báo chí, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với các hoạt động trong lĩnh vực báo chí, làm cơ sở cho các cấp có thẩm quyền ban hành đơn giá đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước đối với cơ quan báo chí; tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31/3/2021 về nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021-2025.

Tạo điều kiện cho cơ quan báo chí phát triển về chất

Đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch báo chí 3 năm qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Chúng ta mới sắp xếp cơ quan báo chí được một bước ở dạng cơ học; giai đoạn đến 2025 là giai đoạn phát triển về chất của báo chí với quan điểm giải quyết được các tồn tại, vướng mắc trong giai đoạn sắp xếp vừa rồi và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển về chất”.

Hội nghị Báo chí 2021: Bảo đảm các cơ quan báo chí có định hướng rõ ràng, có nguồn lực phát triển đúng hướng ảnh 4Đại biểu tham quan trưng bày ảnh tại hội nghị. Ảnh: Trung Khánh - TTXVN

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, hoạt động của một số cơ quan báo chí được cấp phép sau khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi mô hình vẫn còn có những bất cập: Còn tình trạng kiểm soát thiếu chặt chẽ đối với việc đăng, sửa, xóa tin, bài trên báo, tạp chí điện tử hoặc trên chuyên trang, ấn phẩm của cơ quan báo chí. Một số cơ quan báo chí sau khi được cấp phép lại vẫn có biểu hiện chuyên trang điện tử hoạt động theo tên miền độc lập cũ, không đúng với giấy phép được cấp, gây khó khăn cho việc thống nhất chỉ đạo, hoạt động. Một số tạp chí được cấp phép hoạt động tạp chí khoa học nhưng thực tế sử dụng giấy phép hoạt động báo chí, thẻ nhà báo để hoạt động tác nghiệp có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền…

Về một số giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh 7 định hướng lớn, trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm theo nội dung Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, một số cơ quan báo chí cách mạng có ảnh hưởng lớn; rà soát, phân loại các cơ quan báo, tạp chí để có định hướng cụ thể cho hoạt động của từng nhóm.

Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế cho hoạt động của cơ quan báo chí gồm đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí 2016, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Báo chí và các quy định liên quan, kết hợp với các quy định của Đảng, trong đó trước mắt áp dụng các quy định của Đảng đối với tổ chức hoạt động của cơ quan báo chí; nghiên cứu các quy định hoạt động của báo chí trên không gian mạng để tạo điều kiện cho báo chí mở rộng không gian hoạt động nhưng vẫn giữ được tính báo chí cách mạng.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh việc đổi mới nội dung và quản lý hoạt động, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí gắn công tác thực thi pháp luật công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan báo chí theo hướng chủ động, tự động phát hiện các sai phạm trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối với các cơ quan báo chí; hạn chế tư nhân hóa báo chí, báo hóa tạp chí, báo hóa trang thông tin điện tử và sai mục đích tôn chỉ, vi phạm bản quyền.

Cùng với đó, hoạt động kinh tế cho cơ quan báo chí trong đó xác định rõ Nhà nước là khách hàng lớn của cơ quan báo chí; đồng thời, chuyển đổi số cho hoạt động báo chí đảm bảo cho cơ quan báo chí phát triển phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí hiện đại; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý báo chí.

Quỳnh Hoa - Diệp Trương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm