Nông dân xã Hợp Kim, huyện Kim Bôi ( Hòa Bình ) khẩn trương thu hoạch lúa mùa trà sớm. Ảnh: Nhan Sinh- TTXVN |
Song, nhìn chung sản xuất trồng trọt hiện nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cao; số thửa đất của mỗi hộ gia đình còn nhiều (từ 7 đến 11 thửa), diện tích nhỏ và phân tán (đặc biệt trên diện tích đất lúa, đất trồng cây hàng năm); việc cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất chưa thực hiện được hay thực hiện chưa hiệu quả. Yên Thủy là huyện đi tiên phong trong việc dồn điền đổi thửa, gắn với việc quy hoạch, xây dựng lại hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thủy, bà Bùi Thị Cúc cho biết, năm 2013, khi mới triển khai, một số hộ chưa thấy được thuận lợi trong sản xuất, canh tác, đầu tư và bảo vệ nên còn băn khoăn, có sự so sánh về độ phì nhiêu của đất, chất đất, chưa thấy được lợi ích lâu dài việc hình thành cánh đồng mẫu lớn, sản xuất hàng hoá nông sản bằng cơ giới hoá... Trước khó khăn đó, Ban chỉ đạo huyện đẩy mạnh tuyên truyền cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền nên công tác dồn điền đổi thửa nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, bà con tự nguyện hiến 33.960 m2 đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Đến nay huyện Yên Thủy nâng tổng số diện tích đất nông nghiệp được dồn đổi lên hơn 1.358 ha. Trước khi dồn điền đổi thửa, mỗi hộ có từ 4 - 19 thửa, sau khi dồn đổi, mỗi hộ còn từ 1- 4 thửa, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung. Sau dồn điền, đổi thửa, việc sản xuất của các hộ dân thuận lợi, nhanh chóng tiết kiệm 40% công lao động, giảm chi phí sản xuất khoảng 7 triệu đồng/ha. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 6 chiếc máy gặt đập liên hợp, trên 1.700 máy cày, bừa cỡ nhỏ, 35 máy phun thuốc trừ sâu, 451 máy xay xát các loại, 16 máy cấy không động cơ. Một số xã như Yên Trị, Ngọc Lương, người dân đã sử dụng máy lên luống phục vụ làm đất, gieo trồng cây màu, giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí trên 3 triệu đồng/ha so với phương pháp thủ công trước đây. Từ thành công của Yên Thủy, ngày 22/12/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tổ chức thực hiện, trong đó chú trọng tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dồn điền, đổi thửa; vận động nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện. Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai xây dựng kế hoạch dồn điền đổi thửa trên địa bàn đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới. Đến tháng 6 năm 2018 toàn tỉnh đã dồn điền, đổi thửa được 3.741,0 ha, chiếm khoảng 4,67% diện tích đất trồng trọt cả tỉnh, chủ yếu trên diện tích đất trồng lúa; số xã thực hiện dồn điền đổi thửa là 46/191 xã, chiếm 24,08%. Riêng với những vùng trồng cây ăn quả có múi, cây nhãn, như: Cao, Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi,... việc dồn điền đổi thửa chủ yếu do nông dân đã tự gom đất, đổi đất cho nhau để hình thành những thửa ruộng, khu vườn có diện tích lớn hơn thuận lợi cho canh tác. Kinh phí hỗ trợ cho dồn điền đổi thửa của các địa phương hiện nay được sử dụng kết hợp từ Đề án xây dựng nông thôn mới; kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Nguồn kinh phí được sử dụng chủ yếu cho đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng. Theo ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, bước đầu, việc dồn điền, đổi thửa đã có tác động tích cực đến sản xuất trồng trọt, khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất bình quân/hộ đã giảm từ 50 đến 60% (từ 7 đến 9 thửa/hộ giảm còn từ 1 đến 3 thửa/hộ), việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa. Việc dồn điền đổi thữa cũng giảm được các chi phí nhân công như công làm đất, phòng trừ sâu bệnh, công thu hoạch sản phẩm; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới thông qua việc tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Việc dồn điền đổi thửa tại các địa phương đã tạo thuận lợi cho hoạt động chứng nhận vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ,...đến tháng 10/2018 toàn tỉnh có 794,72ha được chứng nhận, trong đó có cây ăn quả có múi là 665,48 ha, cây rau là 70 ha, cây trồng khác 59,24 ha. Bên cạnh những thuận lợi trong thực hiện dồn điền đổi thửa, Hòa Bình cũng có những khó khăn như: Diện tích đất sản xuất trồng trọt của tỉnh manh mún, nhỏ lẻ, địa hình chia cắt mạnh, tập quán canh tác của người dân vẫn mang tính tự phát, sản xuất chưa theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, địa phương. Các địa phương chưa thực sự quyết liệt trong dồn điền, đổi thửa; diện tích đất sản xuất đã chia và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ theo từng thửa ruộng nên tạo tâm lý e ngại cho nông dân khi thực hiện. Cùng với đó, Hòa Bình cũng là tỉnh miền núi phân hạng rất nhiều loại đất, hệ thống thủy lợi tưới tiêu không đồng bộ, hệ thống giao thông nội đồng đi lại còn khó khăn; nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thấp, trong khi khả năng huy động nguồn lực trong dân không nhiều; thiếu kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh phí phục vụ công tác đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Dũng cho biết, ngày 6/11/2018 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND triển khai việc đồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tạo thuận lợi cho việc liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất; gắn việc dồn điền đổi thửa với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã thực hiện dồn điền, đổi thửa; đến năm 2025 có 60% số xã hoàn thành cơ bản việc dồn điền, đổi thửa; tương ứng khoảng 18,0 % diện tích đất sản xuất nông nghiệp; số thửa ruộng bình quân/hộ sau khi dồn đổi giảm từ 7 đến 9 thửa xuống còn từ 1 đến 3 thửa; quỹ đất công ích dành cho mục đích phát triển hạ tầng, khu dân cư được quy hoạch tập trung theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
Nhan Sinh