Hòa Bình: Kết nối, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã phát huy vai trò kết nối, khai thác nguồn lực, tích cực đồng hành, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó, khẳng định được vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Thiết thực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam tổ chức hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm với chủ đề “Phụ nữ Hòa Bình hội nhập, phát triển kinh tế bền vững” thu hút sự tham gia của hơn 30 đơn vị doanh nghiệp, mô hình kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) và các hộ kinh doanh tiêu biểu đến từ 10 huyện, thành phố của tỉnh với gần 100 sản phẩm, mặt hàng trưng bày, giới thiệu.

Thông qua hoạt động, Hội đã phối hợp với tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất có tiềm năng để kết nối giao thương, trao đổi cơ hội hợp tác trở thành nhà cung cấp của các hệ thống bán lẻ trong tương lai. Các doanh nghiệp được cung cấp thông tin về hướng dẫn chào hàng, quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đối với nhà cung cấp để chủ động nghiên cứu, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Qua đó, có 11 bản thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu thụ được ký kết. Đến nay, các đơn vị sản xuất sản phẩm trên địa bàn thông qua Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục chủ động liên hệ với các đơn vị tham gia sự kiện để giới thiệu sản phẩm và đi đến hợp tác lâu dài.

Tại cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lạc Sơn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chị Bùi Thị Thoa (xóm Khải Cai, xã Quyết Thắng) chia sẻ, chị được tham gia nhóm sinh kế của Dự án Care thực hiện tại địa phương. Ngoài hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, chị cùng các thành viên còn tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên ban quản lý mô hình sinh kế và hướng dẫn quản lý tài chính. Từ đó, chị có thêm kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình.

Gia đình chị Bùi Thị Ngọc (xóm Đảng, xã Quyết Thắng) là một trong những hội viên được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với số vốn 100 triệu đồng, chị Ngọc đầu tư chăn nuôi hơn 1.000 con gà thịt. Mỗi năm, đàn gà cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lạc Sơn Bùi Thị Ngợi, từ đầu năm 2024, Hội Phụ nữ huyện đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và chỉ đạo đến cơ sở để thực hiện. Đồng thời, Hội lựa chọn và khuyến khích các xã thực hiện dự án như: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (Dự án 8); Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình (Dự án Jiff); "Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cộng đồng đặc biệt khó khăn tại huyện Đà Bắc và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình” (Dự án Care) do Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam tài trợ.

Hội tăng cường phối hợp hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ; hỗ trợ sản phẩm kết nối với thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; xây dựng bao bì, nhãn mác, vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để phát triển, nhân rộng mô hình, tạo việc làm cho hội viên...

Hiện nay, Hội Phụ nữ huyện Lạc Sơn nhận ủy thác 12 chương trình tín dụng với tổng số dư nợ gần 200 tỷ đồng. Đồng thời, Hội huy động được trên 600 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Hội Phụ nữ huyện đã hướng dẫn xây dựng thương hiệu rượu vang sim tại xã Tân Lập được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Hỗ trợ toàn diện

Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Hòa Bình luôn xác định hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ đã phát huy vai trò kết nối, khai thác nguồn lực, tích cực đồng hành và hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình Hoàng Thị Duyên cho biết, các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ được các cấp Hội triển khai mạnh mẽ, có sự đổi mới về chất theo hướng hỗ trợ toàn diện và tăng cường kết nối sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của các cấp, ngành, nguồn lực xã hội và sự chủ động của hội viên phụ nữ.

Hằng năm, Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, diễn đàn, phiên chợ truyền thông, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu...; đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức rà soát mô hình kinh tế và sản phẩm có chất lượng trên địa bàn; ký kết chương trình với các cấp Hội hỗ trợ thành lập mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, Hội hỗ trợ thành lập 9 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý; thành lập 143 mô hình, tập trung vào ngành, nghề sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làm dịch vụ, du lịch...

Các cấp Hội quan tâm đẩy mạnh phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, "Giúp hộ nghèo có địa chỉ” và nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ tham gia lớp tập huấn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh...

Đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã giúp đỡ 1.900 hộ nghèo và gần 1.500 hộ cận nghèo (do phụ nữ làm chủ) thoát nghèo, thoát cận nghèo. Đồng thời, Hội hỗ trợ nâng cao năng lực cho 824 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh...Trong đó, 102 phụ nữ tham gia Cuộc thi khởi nghiệp (2 năm/lần) do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tỉnh Hòa Bình tổ chức; có 28 ý tưởng đoạt giải và hiện thực hóa khởi nghiệp thành công như: Thuốc nam Ngọc Sáng (huyện Cao Phong); du lịch, dệt thổ cẩm Hoa Ban (huyện Mai Châu)…

Ngoài ra, nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã tích cực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, xây dựng được sản phẩm có chất lượng, tem, nhãn mác xếp hạng sản phẩm OCOP như: trà, cao cà gai leo, ớt rừng, tinh dầu sả, gà Lạc Sơn, cam 3TFam, rau su su Quyết Chiến, rau hữu cơ Lương Sơn... Nhiều sản phẩm được kết nối, tiêu thụ tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng trong và ngoài nước.

Bà Hoàng Thị Duyên cho biết thêm, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ. Đồng thời, Hội tổ chức khai thác, huy động nguồn lực kết hợp với dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kiến thức quản lý kinh tế hộ gia đình, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ… Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Vũ Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm