Hiệu quả từ những mô hình sinh kế bền thích ứng với biến đổi khí hậu

Tỉnh Quảng Bình là địa phương có tần suất thiên tai cao hơn và mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với các địa phương khác. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình sinh kế bền vững thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu.

Trên các cùng chiêm trũng của các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch... nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện các mô hình chuyển đổi trồng sen, mô hình lúa - cá, lúa - tôm... Để tránh thời điểm lũ lụt, các mô hình được Trung tâm hướng dẫn, bố trí lại cơ cấu mùa vụ hợp lý, nhờ đó vừa giúp bà con gia tăng giá trị kinh tế một cách hiệu quả vừa thích ứng với sự biến đổi của thời tiết. Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như mô hình trồng sen cho thu nhập gấp 3-5 lần trồng lúa trước đây, giúp sinh kế của người dân ổn định bền vững.

Sau cơn lũ lịch sử năm 2020, vùng đồng ruộng tại xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) có một số diện tích bị đất đỏ bồi lắng với độ dày trên 1m khiến bà con lo lắng không yên vì không thể canh tác. Được sự hỗ trợ của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vận động người dân thực hiện mô hình trồng bí ngô trên vùng đất bồi lắng.

Cùng với việc hỗ trợ về giống, trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp bám đồng ruộng với bà con để hướng dẫn kỹ thuật từ các khâu đào hố, trộn giá thể, gieo hạt, phòng trừ sâu bệnh cho đến tổ chức tiêu thụ bí ngọn, bí quả cho bà con. Mô hình đạt sản lượng và năng suất bí ngọn, bí quả đạt cao trên 8,5 tấn/ha, tạo được nguồn thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần cải tạo được kết cấu đất để tiếp tục sản xuất cho các vụ tiếp theo.

Trên vùng đất nhiễm mặn, tại huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ bà con thực hiện mô hình trồng cây dừa xiêm được đánh giá là thích nghi tốt với điều kiện nhiễm mặn. Đặc biệt, trong những năm gần đây mô hình trồng dừa xiêm tiếp tục được nhân rộng tại các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh đã góp phần gia tăng sinh kế một cách bền vững cho bà con.

Tại các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Trạch và vùng miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa, trên cơ sở lợi thế điều kiện đất đai và tự nhiên, người dân đã thực hiện chuyển đổi sang trồng cây dược liệu (cà gai leo, thìa canh...); trồng cây ăn quả như ổi, mít ruột đỏ, na Thái, cam, bưởi. Đây là các cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm Israel, nhằm tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường, sản xuất tuần hoàn, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm sức lao động.

Ông Lê Thuận Trung, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện đơn vị đang hỗ trợ các địa phương trong tỉnh thực hiện hàng chục mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP như dưa lưới, dưa chuột, mướp đắng, các loại rau ăn lá giá trị cao trong nhà lưới có áp dụng các công nghệ theo dõi, tưới tiêu chủ động.

Từ đó, đã góp phần tạo nên các vùng chuyên canh rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân cũng như giảm thiểu được sự tác động của biến đổi khí hậu. Giá trị mà các nhà lưới mang lại lớn với thu nhập từ 120-160 triệu đồng/năm.

Theo ông Lê Thuận Trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tưới tiết kiệm trong trồng trọt tại các địa phương được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao. Một số cây trồng như sen, cây dược liệu được thu mua, chế biến và xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao của tỉnh; hệ thống tưới tiết kiệm Israel được áp dụng trên cây tiêu, cây ăn quả đã giải quyết được nhu cầu về nước tưới trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của tỉnh, giúp tiết kiệm 50% lượng nước tưới, giảm trên 80% công lao động, năng suất cây trồng nhờ đó tăng 20-30% so với phương pháp truyền thống.

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm