Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số

Sau 5 năm triển khai, Đề án đã có tác động tích cực về chính trị, xã hội, tạo ra chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự quan tâm, chung tay vào cuộc của các tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh trong việc củng cố và phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 

Học sinh rrường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Phùng Nam Sương- TTTXVN
Học sinh rrường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Phùng Nam Sương- TTTXVN

Theo thống kê, sau 5 năm thực hiện Đề án, quy mô, mạng lưới của hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được củng cố và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương. Đến năm 2015, đã có 308 trường phổ thông dân tộc nội trú được thành lập ở 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 14 trường so với năm học 2011-2012, trước khi thực hiện Đề án. Quy mô học sinh học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú là 88.219 em, chiếm 8,03% số học sinh dân tộc nội trú cấp trung học của cả nước. Như vậy, so với trước khi thực hiện đề án, quy mô học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú tăng khoảng 7.300 học sinh, vượt chỉ tiêu phê duyệt tại Đề án 85.000 học sinh, 7% học sinh dân tộc nội trú cấp THCS và THPT trong toàn quốc được học trong trường phổ thông dân tộc nội trú. 

Về cơ sở vật chất, nhiều trường được bổ sung, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị dạy học và phục vụ hoạt động giáo dục đặc thù. Các trường thành lập mới được quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Các điều kiện đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường phổ thông dân tộc nội trú được tăng cường. Đến nay đã có 120/308 trường phổ thông dân tộc nội trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt gần 39%, tăng 26% so với trước khi thực hiện Đề án. So với chỉ tiêu phê duyệt tại Đề án, tỷ lệ này vượt 9%. 

Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, chất lượng giáo dục của các trường cũng được nâng cao. Số học sinh thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng ngày càng tăng; nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia. Trung bình hàng năm, hơn 50% học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tốt nghiệp trung học phổ thông thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng, gần 20% đi học cử tuyển và dự bị đại học, khoảng 30% vào học trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất. Đặc biệt, năm 2014-2015, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 95,64%, cao hơn khoảng 4% so với tỷ lệ tốt nghiệp chung cả nước, trong đó 7 địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%. 

Tuy vậy, các mục tiêu trọng tâm của Đề án mới chỉ đạt được từ 70% đến 75% so với kế hoạch. Nguyên nhân do một số địa phương chưa ưu tiên bố trí vốn để thực hiện đề án, nguồn tài chính hạn hẹp, trong khi dự án kéo dài, mức trượt giá cao, dẫn đến kinh phí xây dựng tăng cao so với mức được duyệt... 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú để phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội các địa phương. Ngoài việc bố trí ngân sách của trung ương thì các địa phương cũng phải huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình còn thiếu, bên cạnh đó cần sử dụng, nâng cao hiệu quả các công trình đã được xây dựng. 

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai đề án theo hướng ưu tiên bố trí nguồn ngân sách còn thiếu cho các địa phương để xây dựng các hạng mục, xây dựng mới các trường phổ thông dân tộc nội trú./. 


Có thể bạn quan tâm