Sau hai ngày làm việc, ngày 29/6, Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Khóa X đã bế mạc và thông qua 24 Nghị quyết, trong đó có nhiều Nghị quyết quan trọng trong đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đáng chú ý là các Nghị quyết về: kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Giao kế hoạch vốn dự kiến nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương (vốn sự nghiệp) năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nạo vét hệ thống thủy lợi kênh trục tạo nguồn, trữ ngọt kết hợp phòng chống ngập úng, hạn mặn thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh...
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành và tập trung chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu điều hành kinh tế - xã hội... Nhờ vậy, kinh tế, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt 6,46%, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất lúa đảm bảo theo kế hoạch; lĩnh vực thủy sản khá thuận lợi; sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh. Thu hút đầu tư được triển khai tích cực. Công tác cải cách hành chính được thực hiện tốt, Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 của tỉnh đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt. An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.
Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn những tác động ảnh hưởng đến sự phát triển, điển hình là giá xăng dầu, phân bón, vật tư tiếp tục tăng, tình trạng trượt giá kéo dài là thách thức lớn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời nhiều vấn đề quan tâm của cử tri trên các lĩnh vực như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế... Qua đó, 10 lượt ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND đối với trách nhiệm của sở, ngành trong giải quyết đầu ra cho nông sản; xử lý ô nhiễm môi trường; kế hoạch đầu tư thực hiện những công trình bức xúc của người dân; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ ngành y tế, cũng như công tác khám chữa bệnh...
Trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022, các đại biểu HĐND cho rằng cần tiếp tục rà soát, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giảm nghèo bền vũng giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây là những chương trình trọng điểm, chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tỉnh chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trung Hiếu