Tối 18/5, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì (Hà Nội), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Lễ công bố, trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; công bố Quyết định công nhận điểm du lịch xã Đại Áng, xã Yên Mỹ; khai mạc Hội chợ giống vật tư, thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề năm 2023.
Dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025"; Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có: Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến; Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh; Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Hoàng Yến… Về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội có: Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại...
* 14 xã của huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thanh Trì thực hiện hai nhiệm vụ chính trị quan trọng là đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường song song với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Với phương châm "vừa làm vừa rút kinh nghiệm", huyện đã phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng nhiều phong trào thi đua, nhằm phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của các tầng lớp nhân dân và của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới.
Với quyết tâm chính trị và sự đồng thuận rất cao của nhân dân trên địa bàn, năm 2021, Hà Nội đã công nhận xã Liên Ninh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, huyện đã chỉ đạo quyết liệt 14 xã còn lại triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, tập trung vào các tiêu chí chưa đạt như: Hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, môi trường, giáo dục đào tạo, các thiết chế văn hóa, cải cách hành chính, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự…
Thanh Trì đã xây dựng 8 đề án gồm: 2 đề án củng cố sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; 5 đề án lĩnh vực văn hóa xã hội; 1 đề án ứng dụng công nghệ tin học tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại. Ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung về giao thông và kinh tế - xã hội, huyện đã bố trí trên 2.000 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông, trên 2.300 tỷ đồng để thực hiện 102 dự án hạ tầng văn hóa - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển dịch vụ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Kinh tế huyện Thanh Trì đạt mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 70 triệu đồng/người/năm; giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 252 triệu đồng/ha. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia tăng lên 87,6%, chất lượng giáo dục ngày càng phát triển; hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được nâng lên, 100% xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế. Chất lượng môi trường sống, công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, đã kè được 32 ao hồ trong khu dân cư kết hợp với đường hoa, cây xanh. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 97%... Với sự cố gắng, nỗ lực vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, ngày 18/4/2023, Hà Nội đã có Quyết định số 2277/QĐ-UBND công nhận 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, toàn bộ 15/15 xã của huyện được công nhận xã chuẩn nông thôn mới nâng cao, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Nhằm phát huy kết quả trong xây dựng nông thôn mới cũng như khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Thanh Trì đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển quy mô, chất lượng du lịch, quảng bá văn hoá, truyền thống; giới thiệu hình ảnh quê hương đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế của huyện. Đến nay, huyện đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và chỉ đạo các xã hoàn thiện hồ sơ, đề xuất và được Thành phố Hà Nội công nhận 02 điểm du lịch đầu tiên trên địa bàn huyện là điểm du lịch xã Yên Mỹ và điểm du lịch xã Đại Áng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, là cơ hội, điều kiện thuận lợi để hình thành các tuyến du lịch trên địa bàn huyện và kết nối du lịch với các địa phương lân cận, tương lai huyện Thanh Trì phấn đấu sẽ là điểm đến du lịch “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.
* Tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu
Tại buổi lễ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng tổ chức khai mạc Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề năm 2023. Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh: Hội chợ có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội giúp các chủ thể, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường, nhất là đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…
Hội chợ lần này được tổ chức trong thời gian 4 ngày, từ ngày 18 - 21/5/2023 với trên 100 gian hàng giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề và khu trưng bày giống vật tư, hoa, cây cảnh. Sản phẩm tham gia hội chợ đến từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và 25 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Bắc Kạn, Điện Biên, Phú Thọ, Cao Bằng, Nghệ An, Bến Tre, Bắc Giang.
Với trên 2.000 sản phẩm giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Hà Nội và các tỉnh, thành phố thỏa mãn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Thủ đô.
Hội chợ góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Long Nguyễn