Hà Nội phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Những cung đường nông thôn sạch đẹp nhờ một phần đóng góp của phụ nữ Thủ đô.
Những cung đường nông thôn sạch đẹp nhờ một phần đóng góp của phụ nữ Thủ đô.

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến khích hội viên xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả thiết thực cho chị em hội viên…

Hà Nội phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1Những cung đường nông thôn sạch đẹp nhờ một phần đóng góp của phụ nữ Thủ đô.

Khi các địa phương chuyển sang giai đoạn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội quan tâm đến việc hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) thông tin, với mong muốn tạo ra sản phẩm nông sản an toàn đích thực, trên diện tích 2,5ha, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết. Hợp tác xã còn đảm nhận vai trò hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kiến thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các thành viên hợp tác xã cũng như giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất. Tất cả nguồn phân hữu cơ đều được tự sản xuất từ phân chuồng, phế thải hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi. Những chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu hữu cơ cũng được chế từ các thảo dược sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, không độc hại cho người sử dụng.

Hiện nay, các loại rau, củ, quả của hợp tác xã đều được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội định kỳ lấy mẫu kiểm tra chất lượng và đạt đúng tiêu chuẩn. Đáng chú ý, 100% sản phẩm rau của hợp tác xã sau khi được thu hoạch và sơ chế đóng gói đều được dán tem QR Code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh có kết nối Internet.

Chị Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Oai cho biết: Sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, huyện Thanh Oai cũng đang tập trung xây dựng các mô hình nông nghiệp chuyển đổi theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Trong hoạt động đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Oai đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình khởi nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn như chuỗi giá trị gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng), gạo Bồ Nâu (xã Thanh Văn), trứng vịt Liên Châu…

Tại huyện Mê Linh, để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn huyện đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn nội dung và hình thức triển khai phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, 100% cơ sở hội đã đăng ký thực hiện có hiệu quả các phong trào, hoạt động, phần việc của mình, trọng tâm là đăng ký đảm nhận công tác vệ sinh môi trường, quét dọn, trồng đường hoa đảm bảo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, vận động hội viên hiến đất, góp công, góp của xây dựng các các công trình công cộng.

Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mê Linh, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Vận động hội viên lắp đặt đèn đường chiếu sáng trên các trục đường liên xóm; ra quân tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom rác thải; lắp đặt thùng rác tại các khu vực công cộng và trên một số cánh đồng. Hay vận động hội viên duy trì tham gia vệ sinh môi trường vào sáng thứ 7 hàng tuần; tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và tiêu chí "sạch ruộng đồng", "phát động ra quân vệ sinh môi trường - làm sạch đồng ruộng tham gia xây dựng nông thôn mới"… Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện và đưa huyện Mê Linh đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội chia sẻ: Thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội, thời gian qua, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật luôn được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội quan tâm, nhất là công nghệ sinh học trong sản xuất nông sản, gắn với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện, các cấp hội đã hỗ trợ thành lập 17 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 50 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển sản xuất và được nhiều người hưởng ứng, tham gia…

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều tọa đàm "Phát huy vai trò của các cấp hội phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội". Đây chính là cơ hội để hội viên nắm bắt, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình; đồng thời chỉ đạo các cấp hội tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để hội viên phụ nữ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Qua đó, các hội viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và mở rộng hoạt động, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho chị em.

Thiện Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm