Tối 18/6, tại đền Bạch Mã, quận Hoàn Kiếm trang trọng tổ chức đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt “Thăng Long Tứ trấn” - đền Bạch Mã. Tới dự có lãnh đạo Thành phố Hà Nội, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành thành phố, quận Hoàn Kiếm và đông đảo nhân dân.
Ngày 18 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho 5 di tích trên cả nước, trong đó có Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật “Thăng Long Tứ trấn”, gồm đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm), đền Voi Phục, đền Quán Thánh (quận Ba Đình) và đền Kim Liên (quận Đống Đa), thành phố Hà Nội.
“Thăng Long Tứ trấn” gắn với việc ra đời của Kinh đô Thăng Long thời Lý, là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch, ngày đêm bảo vệ cho Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình. Đó là đền Bạch Mã trấn ở phía Đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.
Đền Bạch Mã được xây dựng ở huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Đền thờ thần Long Đỗ - vị thần bảo hộ Kinh thành Thăng Long, trấn giữ phía Đông (Thành hoàng Hà Nội). Đền xuất hiện khá sớm, gắn liền với truyền thuyết xây La Thành của Cao Biền và đắp thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ.
Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê với 52 vị vua định đô tại Thăng Long, đến nay đền Bạch Mã là nơi chứng kiến đầy đủ nhất quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Hơn một nghìn năm qua, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được cảnh quan uy nghiêm và những dấu tích cổ hiếm thấy, mang giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt và là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay, đền Bạch Mã là nơi ghi dấu lại nét đặc trưng của phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn với quy mô kiến trúc khá lớn, quay theo hướng Nam, được bố trí hài hòa với nghi môn, phương đình, đại bái, cung cấm, thiêu hương, nhà hội đồng ở phía sau đền. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử lớn như: Bia văn ghi lại những điển tích, thần thoại xây dựng đền và nghi lễ cúng thần, các lần tôn tạo trong hơn 1000 năm qua. Ngoài ra, trong đền còn có: Sắc phong, hương án, độc bình, đôi phổng, chuông đồng hay kiệu rước,…
Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Hai âm lịch hằng năm, là sự dung hòa giữa văn hóa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cúng cung đình, tạo nên nét đặc sắc riêng biệt.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Thời gian qua, đền Bạch Mã được UBND thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích để phục vụ cho công tác nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và trở thành điểm đến du lịch đặc thù đối với du khách trong và ngoài nước. Quận Hoàn Kiếm còn tập trung dành nguồn lực để giải phóng mặt bằng hàng chục di tích với hàng trăm hộ dân trên 2.000 nhân khẩu đã được di dời, các công trình di tích được bảo tồn trên địa bàn. Đồng thời, Quận huy động các nguồn lực xã hội để phát huy các di sản phi vật thể, khôi phục các phố nghề, tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm nhằm mục tiêu gìn giữ các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần của người dân gắn với phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển du lịch.
Di tích đền Bạch Mã cùng với các di tích khác trong “Tứ trấn Thăng Long” được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, tín ngưỡng tiêu biểu của quần thể di tích này tại Thủ đô Hà Nội.
Đinh Thuận