Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 02 giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội là địa phương có số huyện đạt chuẩn nhiều nhất cả nước. |
Sau nửa nhiệm kỳ, Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Với việc có 4 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, Hà Nội là địa phương có số huyện đạt chuẩn nhiều nhất cả nước. Bên cạnh đó, 294/386 xã trên địa bàn thành phố cũng đã về đích nông thôn mới - con số một lần nữa đưa Hà Nội đứng ở vị trí dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả mà các quận, huyện, thị xã đã đạt được trong năm qua về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020". Đặc biệt, về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tăng 10 chỉ tiêu và các chỉ tiêu, tiêu chí cơ bản đều cao hơn so với bộ tiêu chí giai đoạn 2010-2015.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thăm quan các gian hàng trưng bày nông sản đặc trưng của các huyện, thị xã. |
Nhờ làm tốt trong xây dựng nông thôn mới nên đời sống ở nông thôn cũng được nâng cao. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 86,06% (trong đó tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (đầu năm 2016), xuống còn 2,57% (cuối năm 2017).
Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã góp phần nâng cao đời sống người trồng hoa ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). |
Nhờ làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới nên đời sống người dân ở nông thôn Hà Nội cũng được nâng cao. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Nội cần tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát phòng chống dịch bệnh...
Thực hiện: Tú Quỳnh, Thùy Ngân