Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm và có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, song bệnh có thể phòng chống và chữa khỏi nếu phát hiện sớm và chữa đúng phương pháp. Tỉnh Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia: Hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao vào năm 2030.
Tính đến nay, mạng lưới phòng, chống lao ở Hà Giang đã bao phủ 193/193 xã, phường, thị trấn; tỷ lệ dân số được tiếp cận với chương trình chống lao đạt 100%. Tại mỗi huyện, thành phố duy trì một tổ chống lao tuyến huyện và mỗi Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có một cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống lao. Đặc biệt, các tổ chống lao đa phần có bác sĩ được đào tạo, tập huấn về điều trị và quản lý bệnh lao. Bệnh nhân lao được điều trị tấn công tại Bệnh viện Đa khoa huyện, điều trị giai đoạn duy trì tại nhà do Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã quản lý, giám sát điều trị. Riêng tuyến tỉnh, Bệnh viện Phổi Hà Giang là bệnh viện chuyên khoa hạng 2 có quy mô 120 giường bệnh, 15 khoa, phòng chức năng với các trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất tiện nghi; tiếp nhận, điều trị bệnh nhân lao theo phác đồ mới nhất của Bệnh viện Phổi Trung ương. Bệnh viện còn xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh để chăm sóc sức khỏe tối ưu cho người bệnh.
Cùng với mạng lưới phòng, chống lao, hoạt động cung ứng thuốc lao, vật tư, trang thiết bị xét nghiệm từ Bệnh viện Phổi Trung ương cấp về tuyến tỉnh, điều phối về tuyến huyện, xã đảm bảo kịp thời phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh cho bệnh nhân từ tuyến tỉnh đến cơ sở. 11 huyện, thành phố đã có phòng xét nghiệm lao. Tuyến tỉnh triển khai nhiều kỹ thuật tiến bộ, như: Xét nghiệm đờm bằng phương pháp soi trực tiếp, sinh học phân tử, xét nghiệm Gen-Xpert… để phát hiện nhanh bệnh lao. Đặc biệt, tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao đạt trên 90%/năm; riêng tỷ lệ thành công trong điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc lên đến 70%/năm, số bệnh nhân lao kháng thuốc chỉ khoảng 8-10 người/năm.
Tuy nhiên, hàng năm, các cơ sở y tế tại Hà Giang vẫn phát hiện và thu nhận điều trị hàng trăm ca bệnh lao các thể. Kết quả điều trị, quản lý bệnh nhân chưa đạt mục tiêu đề ra do tỷ lệ phát hiện thụ động thấp, ý thức của người dân về bệnh lao chưa cao, tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị, không theo dõi được còn cao; tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao kháng đa thuốc còn thấp… Ngoài ra, các chương trình hoạt động về lao tiềm ẩn và lao trẻ em triển khai còn chậm do đối tượng trẻ em khó tiếp cận; trẻ nhỏ từ 0 - 4 tuổi gặp nhiều khó khăn trong việc dùng thuốc, gia đình thiếu hợp tác, còn lao tiềm ẩn ở người lớn chưa có kinh phí triển khai thực hiện…
Tỉnh Hà Giang đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo các nguồn lực, huy động mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh lao. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp chuyên môn kỹ thuật và dịch vụ phòng, chống bệnh lao nhằm phát hiện lao sớm và điều trị hiệu quả. Tỉnh cung cấp dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý bệnh lao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tiến tới phổ cập dịch vụ khám phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao toàn diện cũng như sử dụng tối ưu các kỹ thuật truyền thống để khám, chữa và phòng bệnh lao hiệu quả trong điều kiện có thể. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các bậc cha mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm phòng vaccine BCG ngay trong tháng đầu sau sinh để phòng, chống bệnh lao có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hà Giang xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý cung ứng thuốc, hậu cần kỹ thuật phù hợp cho công tác phòng, chống bệnh lao, đảm bảo kịp thời, hiệu quả cao và bền vững. Công tác giám sát điều trị bệnh nhân lao tại cộng đồng được tăng cường, huy động sự tham gia hỗ trợ điều trị của y tế cơ sở và người nhà bệnh nhân, đảm bảo tỷ lệ khỏi bệnh cao.
Cùng với những giải pháp trên, Hà Giang còn huy động, khuyến khích tối đa sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống bệnh lao; nhất là đồng bào vùng sâu, xa, người di biến động để nhân dân hiểu và chủ động tiếp cận, sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành Y tế cung cấp. Trên cơ sở đó, phấn đấu giảm số người mắc, số người chết do bệnh lao, giảm sự lây nhiễm lao, khống chế bệnh lao kháng đa thuốc để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
T.P