Ngày 10/6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 225/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang về việc ứng phó với lũ trên sông Lô.
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang chủ động có biện pháp, sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn; thông báo cho các chủ lồng bè; chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, phương tiện, thiết bị và công trình; bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang chỉ đạo chủ hồ thường trực, vận hành hồ đập theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du; triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn theo cấp báo động; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường thông tin về diễn biễn của lũ đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động phòng tránh.
Cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình địa phương, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó lũ, ngập lụt để giảm thiểu thiệt hại (một số tài liệu tham khảo đã được Ban Chỉ đạo xây dựng và đăng tải trên website Phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Tai-lieu-truyen-thong-pctt.aspx); đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, từ ngày 8-10/6, mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về khiến nhiều địa phương tại tỉnh Hà Giang bị ngập úng, sạt lở đất, gây ách tắc giao thông, thiệt hại nhiều công trình giao thông, tài sản của nhân dân.
Theo đó, vào hồi 4 giờ 30 phút ngày 10/6, mực nước trên sông Lô tại trạm thủy văn Hà Giang ở mức +103,05m (trên mức báo động 3 là 0,05m) và dự báo tiếp tục lên trên báo động 3 từ 1-1,5m, nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông Lô tại thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Tại địa bàn thành phố Hà Giang, nhiều điểm ngập sâu như: tổ 2, tổ 3 phường Minh Khai; nhiều điểm trên đường Lý Tự Trọng, khu vực cầu Trắng, tổ 12 phường Nguyễn Trãi, ngã tư giao nhau đường Lê Quý Đôn và đường 20/8, phường Nguyễn Trãi, xã Phương Thiện, một số điểm trên địa bàn phường Ngọc Hà, Quang Trung, Ngọc Đường. Nhiều tuyến đường từ thành phố Hà Giang đi các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc bị tê liệt, một số du khách và người dân địa phương bị mắc kẹt tại địa bàn huyện Mèo Vạc. Nước sông Lô dâng cao khiến nhiều nhà dân nằm ven sông bị ngập từ 0,5 đến 1m.
Hiện lực lượng chức năng đã hỗ trợ du khách, người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; khuyến cáo người dân, các chủ phương tiện khi di chuyển qua các tuyến đường sạt lở cần phải theo dõi, quan sát và chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; đồng thời hỗ trợ, di dời người dân ra khỏi những điểm ngập lụt, có nguy cơ sạt lở đất, nước lũ lớn nhằm đảm bảo về người và tài sản cho nhân dân…
Thắng Trung