Hà Giang: 11 trẻ bị ngộ độc do ăn quả hồng châu

Quả hồng châu khi chín có màu tím trông bắt mắt nên nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không biết là quả độc thường hái ăn. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN
Quả hồng châu khi chín có màu tím trông bắt mắt nên nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không biết là quả độc thường hái ăn. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Bác sỹ Vũ Văn Đại, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết: Trong 2 ngày (31/7-1/8), Bệnh viện đã tiếp nhận cùng lúc 11 trẻ từ 3 đến 12 tuổi bị ngộ độc do ăn quả hồng châu. Trẻ bị ngộ độc đều là người dân tộc thiểu số ở thôn Chua Só, xã Tả Lủng và thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo.

Hà Giang: 11 trẻ bị ngộ độc do ăn quả hồng châu ảnh 1Điều trị cho các cháu nhỏ bị ngộ độc do ăn quả hồng châu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Theo gia đình nạn nhân, vào dịp nghỉ hè không phải đi học, con em các gia đình đi cắt cỏ cho gia súc xong rồi rủ nhau đi hái quả hồng châu ăn. Đến cuối buổi chiều 31/7, tất cả 11 trẻ ở 2 thôn sau khi ăn quả hồng châu đều xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và đã được đưa đến cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn.

Cũng theo bác sỹ Vũ Văn Đại, ngay sau khi tiếp nhận 11 nạn nhân, Bệnh viện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn cấp cứu, xử trí bằng phương pháp thải độc, gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu.

Hà Giang: 11 trẻ bị ngộ độc do ăn quả hồng châu ảnh 2Quả hồng châu khi chín có màu tím trông bắt mắt nên nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không biết là quả độc thường hái ăn. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN  

Sau nhiều giờ điều trị tích cực, đến đầu giờ chiều 1/8, tình trạng của 6/11 trẻ đã tạm thời ổn định, chưa nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, có 5 trẻ được các y, bác sỹ Bệnh viện chẩn đoán suy đa phủ tạng và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang điều trị.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND huyện Đồng Văn đã đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình; đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn phối hợp với các cơ quan chuyên môn điều trị, chăm sóc tốt nhất cho các nạn nhân.

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang, cây hồng châu là loại cây thường mọc ở khu vực núi đá thuộc dạng cây leo. Vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to bằng 2 ngón tay người lớn, dài khoảng từ 11-12 cm, màu của lá xanh đậm. Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, khi quả non vỏ có màu xanh nhạt, chín chuyển thành màu tím, hơi mềm, bên trong quả có lớp vỏ màu hồng, có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp.

Hồng châu là loại quả rất độc, khi ăn phải sẽ bị suy hô hấp, trụy tim mạch dẫn đến tử vong. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu.

Để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em tuyệt đối không ăn các loại cây, củ, quả lạ mọc trong rừng, trong đó có quả hồng châu để phòng ngừa ngộ độc có thể dẫn đến tử vong. Khi thấy trong người xuất hiện các các triệu chứng ngộ độc cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Ở huyện Đồng Văn, cây hồng châu thường mọc tại địa bàn các xã Tả Lủng, Tả Phìn, Lũng Táo, Ma Lé và thị trấn Đồng Văn. Quả hồng châu thường chín rộ vào các tháng 6, 7, 8 hằng năm. Đây cũng là dịp nghỉ hè của học sinh nên thường ghi nhận nhiều vụ ngộ độc do trẻ ăn phải quả hồng châu. Nạn nhân chủ yếu là trẻ em có độ tuổi từ 5 - 12 tuổi.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm