Gương sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu năm 2018

Gương sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu năm 2018

Nữ sinh người Dao đỏ nỗ lực để trở thành sinh viên xuất sắc 

Triệu Hoàng Anh, người Dao đỏ đến từ xã Canh Tân, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là sinh viên xuất sắc của trường Đại học Mỏ - Địa chất với số điểm tốt nghiệp đạt 3.78/4.0. Em vinh dự được vinh danh tại lễ “Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018.

Hoàng Anh sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi vùng biên. Mẹ là giáo viên, bố ở nhà làm nông nghiệp nên điều kiện kinh tế của gia đình em không được dư dả. Hoàng Anh là con thứ hai trong gia đình. Chị gái của em đã mất khi còn nhỏ do mắc bệnh mà gia đình không có điều kiện chữa trị. Em trai em năm nay 18 tuổi và đang học tại trường Hữu nghị Việt – Lào (Hữu nghị T78).


Gương sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu năm 2018 ảnh 1
Em Triệu Hoàng Anh, người Dao đỏ là sinh viên xuất sắc của trường Đại học Mỏ - Địa chất. 

Nhận thức được hoàn cảnh gia đình, Hoàng Anh luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Những năm học tiểu học, em học ở trường làng cách nhà 3 km và đều đi bộ đến trường. Lên đến trung học, em được vào học tại trường Dân tộc nội trú huyện Thạch An và đều đạt được danh hiệu học sinh khá, giỏi. Năm lớp 9, em đạt giải nhì học sinh giỏi văn cấp tỉnh, giải 3 học sinh giỏi giải toán bằng máy tính Casio cấp tỉnh. Nhờ có thành tích học tập tốt, Hoàng Anh đã được chọn đi học Phổ thông trung học tại trường Hữu nghị 78. Năm lớp 12, em đạt giải Khuyến khích học sinh giỏi môn Hóa học cấp trường. Do yêu thích môn Hóa nên em đã thi vào ngành Lọc – Hóa dầu của trương Đại học Mỏ - Địa Chất và đạt số điểm đầu vào là 21,5 điểm. Sau tốt nghiệp xuất sắc ra trường, Hoàng Anh đã được tuyển vào làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài có môi trường và điều kiện làm việc tốt, năng động.

Gương sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu năm 2018 ảnh 2
Lớp học tiếng Anh do em Triệu Hoàng Anh tổ chức dạy miễn phí cho các em nhỏ ở quê nhà. 
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những em học sinh ở quê nhà, tranh thủ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2018, Hoàng Anh về quê và mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ để giúp các em có điều kiện tiếp cận với môn ngoại ngữ thuận lợi hơn.

Chia sẻ về những bí quyết có được những thành công như ngày hôm nay, Triệu Hoàng Anh chia sẻ: “Trong cuộc sống cũng như học tập, em luôn tự nhủ bản thân luôn phải cố gắng, quyết tâm, dựa vào sức mình là chính để vượt qua những khó khăn, thử thách. Luôn luôn phải trau dồi kiến thức và phát hiện ra những mặt mạnh của bản thân để tiếp tục phát triển và mặt yếu để khắc phục.”  

Hoàng Anh cũng bộc bạch mong muốn của bản thân là nếu có cơ hội em rất muốn về quê hương làm việc để có thể góp chút sức lực nhỏ bé của mình phát triển vùng quê nghèo, đồng hành cùng các em nhỏ ở quê nhà để các em có động lực học tập cũng như hướng được con đường phát triển của bản thân, đồng thời em cũng có thể ở bên cạnh chăm sóc bố mẹ khi về già. 

Cô "nhà báo" tương lai người Pu Péo học giỏi
 
Đó là em Trương Thu Huyền, dân tộc Pu Péo ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Huyền là một trong những sinh viên thuộc dân tộc rất ít người trên đất nước ta được tuyên dương trong lễ “Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS tiêu biểu, xuất sắc” năm 2018 vì thành tích học giỏi của mình. Hiện em đang là sinh viên năm thứ nhất Khoa Xây dựng Đảng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Sinh ra và lớn lên tại vùng miền núi, nơi địa đầu của Tổ quốc, mẹ là giáo viên, bố là cán bộ nhà nước, Trương Thu Huyền luôn có ý thức tự giác trong học tập. Ngoài những giờ lên lớp, em luôn tìm tòi thêm những sách tham khảo để bổ sung kiến thức cho môn học mình ưa thích. Những năm học cấp 1, Huyền đã đạt giải ba trong cuộc thi viết chữ đẹp ở trường. Lên cấp 2, em có niềm đam mê với môn Địa lý và em đã đạt giải khuyến khích môn Địa lý cấp huyện.  
Gương sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu năm 2018 ảnh 3
Em Trương Thu Huyền, dân tộc Pu Péo ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang là 1 trong những em học sinh, sinh viên thuộc dân tộc rất ít người được vinh danh trong lễ tuyên dương. 

Không phụ lòng bố mẹ cố gắng nuôi ăn học và mong muốn con tiến được xa hơn, học hỏi được nhiều và điều quan trọng là có thể “vượt qua những dãy núi đá tai mèo” hiểm trở bằng kiến thức, Huyền đã đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền với số điểm khá cao.

Trao đổi với chúng tôi, Huyền cho biết: “Em rất thích nghề nhà báo, em rất hâm mộ các cô chú nhà báo ở báo, đài địa phương và Trung ương vì được đi nhiều nơi,  có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trên khắp mọi miền Tổ quốc và có thể hiểu biết thêm được nhiều điều. Đặc biệt, những bài báo, bức ảnh, phóng sự rất bổ ích đối với đồng bào dân tộc, giúp cuộc sống của bà con dân tộc, đặc biệt là quê hương của em ngày càng phát triển”.

Ước mơ của Huyền cũng rất giản dị và giống như bao bạn trẻ khác khi ra trường sẽ trở về quê hương làm việc, viết được nhiều bài báo hay và có giá trị đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp phần nhỏ bé trong sự nghiệp rút ngắn khoảng cách miền xuôi và miền ngược ở quê nhà.
       Hoàng Tâm – Nam Sương

Có thể bạn quan tâm