Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN |
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia về các điều, khoản, mục trong Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), trên cơ sở đó ban hành bộ Luật được chặt chẽ và bám sát thực tiễn.
Theo ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), Tổng cục Lâm nghiệp-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2005, qua 12 năm thực hiện đến nay đã bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, cần thiết phải có sự điều chỉnh, bổ sung, xây dựng Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) năm 2017.
Ông Mạnh nêu rõ: Định nghĩa về “động - thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm” chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho xây dựng chế tài xử phạt trong Bộ luật Hình sự và các Nghị định xử phạt hành chính; quản lý gây nuôi động vật hoang dã được quy định tại các văn bản Luật, Nghị định không thống nhất trong thẩm quyền cấp phép gây nuôi, vận chuyển… gây khó khăn trong áp dụng. Bên cạnh đó, chưa có quy định về quản lý các loài động - thực vật hoang dã có nguồn gốc nước ngoài; thiếu quy định trách nhiệm các lực lượng thực thi, quản lý trong hợp tác chống buôn bán động - thực vật hoang dã trái pháp luật…
Với mục đích và tiêu chí như trên, Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) năm 2017 có những nét mới như đưa ra thuật ngữ “vùng đệm”, “đóng cửa rừng tự nhiên”, “điều tra rừng”…; thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trong Dự thảo Luật quy định rõ hơn thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng và HĐND.
Dự thảo mới cũng quy định rõ hơn đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng. Lần đầu tiên trong Dự thảo Luật, tại Điều 95 bổ sung quy định chi ngân sách Nhà nước cho lâm nghiệp trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, bảo vệ và cứu hộ động - thực vật nguy cấp…
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất: Cần có sự thống nhất cách tiếp cận quản lý, bảo vệ đối với các loài sinh vật theo đối tượng loài (loài nguy cấp và loài khác), không phân chia theo hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước; thống nhất chế độ quản lý, bảo vệ loài theo danh mục: Loài nguy cấp được ưu tiên bảo vệ, loài hoang dã khác được bảo vệ theo pháp luật về đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - chuyên gia Dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” (Dự án GIG) nhấn mạnh đến việc cần quy định rõ hơn trong Dự thảo Luật về quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị quản lý. Bên cạnh đó, cần quy định rõ về lực lượng quản lý, bảo tồn chuyên trách trong các hệ sinh thái rừng, gia tăng quyền hạn và nhân lực cho đội ngũ kiểm lâm. Đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp của UBND các cấp, cần quy định rõ hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu UBND các cấp, các bộ, ngành khi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến về việc sửa đổi tên gọi của Luật, sửa từ Luật Bảo vệ và phát triển rừng thành Luật Lâm nghiệp vì vừa ngắn gọn vừa bao quát đầy đủ các nội dung của Luật./.
Ánh Tuyết