Ở ta lâu nay dạy và học chỉ để đi thi, tâm lý của xã hội lẫn cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa thoát khỏi triết lý giáo dục “hư văn, khoa cử, quan trường” là ý kiến của Giáo sư Phạm Minh Hạc. Giáo sư Hạc cho rằng nền giáo dục của ta đang tồn tại nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa chính sách phát triển giáo dục nhanh, quy mô lớn với chính sách đầu tư. Mâu thuẫn giữa giáo dục toàn diện và điều kiện thực hiện: nói “toàn diện” nhưng kết quả đạt được chưa như ý muốn; đề ra đường hướng “dạy chữ, dạy người, dạy nghề” nhưng loay hoay với việc dạy chữ. Trong dạy-học tồn tại mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành, giữa kiến thức và kỹ năng, giữa học vấn và năng lực hoạt động, giữa hiểu biết và văn hoá ứng xử…
Nghiên cứu khoa học tại trường đại học Tây Nguyên.Ảnh: TTXVN |
Vì vậy, trong mục VI - Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia giáo dục cho rằng cần bổ sung thêm cụm từ “Kiên quyết đẩy lùi tình trạng tiêu cực trong thi, kiểm tra” và sửa lại là “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Kiên quyết đẩy lùi tình trạng tiêu cực trong thi, kiểm tra”.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cường - Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng cần nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với nhu cầu sử dụng hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó cần quan tâm hơn đến giải quyết việc làm cho cử nhân tốt nghiệp đại học, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Để khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" như hiện nay, văn kiện cần xác định rõ giáo dục đại học phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và sử dụng sản phẩm do nhà trường đào tạo; đồng thời cần đề cập tới việc quy hoạch lại hệ thống các trường trung cấp, cần thiết phải có những trường trung cấp mang tầm quốc gia. Bên cạnh đó, văn kiện cũng cần phải quan tâm đến việc đầu tư cho cơ sở vật chất trong đào tạo, tạo sự bình đẳng giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, cần phải có sự chọn lọc khi thực hiện xã hội hóa đầu tư cho giáo dục bởi việc làm này đang diễn ra nhanh, khiến chất lượng nhiều trường tư đang bị thả lỏng.
Không để lãng phí "chất xám", thu hút nhân tài, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo cần xác định rõ việc đầu tư cho học tập, các cơ chế ưu đãi cho các sinh viên xuất sắc các trường đại học yên tâm làm việc, cống hiến trong các cơ quan nhà nước, kinh nghiệm các nước trong khu vực và trên thế giới, những cơ chế, chính sách để thu hút du học sinh về nước làm việc. Trong văn kiện cần chú trọng đến công tác đào tạo, không chỉ trang bị những kiến thức cơ bản mà còn phải quan tâm đến dạy kỹ năng "mềm" có như vậy sinh viên Việt Nam khi ra trường mới có thể tự tin hội nhập.
Muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, Giáo sư Phạm Minh Hạc đề nghị, phải đoạn tuyệt tâm lý hư danh. Nhà trường phải chuyển hẳn sang dạy và học để hình thành và phát triển năng lực sống thực ở thế hệ trẻ, để họ có thể tạo lập cuộc sống tốt đẹp của chính mình, đồng thời có thể giúp gia đình và đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Việc dạy và học phải nhằm hình thành và phát triển giá trị bản thân của người học. Thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục, đồng thời quán triệt tư tưởng giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, với nòng cốt là đội ngũ nhà giáo có lương tâm và tay nghề tốt, quản lý giáo dục theo một triết lý giáo dục đúng đắn, mới có đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục./.