Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trong tình hình mới

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trong tình hình mới

Trong đường lối, chính sách đối ngoại được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua, một trong những định hướng quan trọng là: “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại…”. Định hướng này được tái khẳng định trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII sắp tới. Đây là định hướng lớn, đòi hỏi tất cả các hoạt động đối ngoại từ ngoại giao nhà n ước, đối ngoại Đảng đến ngoại giao nhân dân đều phải tuân thủ. Theo đó, rất cần làm r õ khái niệm, nội hàm và các tiêu chí c ơ bản để đánh giá hiệu quả của các hoạt động đối ngoại. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington D.C, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ ngày 6/7 đến ngày 10/7/2015. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington D.C, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ ngày 6/7 đến ngày 10/7/2015. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Hiệu quả là khái niệm được dùng nhiều trong kinh tế với các tiêu chí, phương cách mang tính định lượng để đánh giá. Trong các lĩnh vực khác, nhất là chính trị, an ninh, văn hóa, xã hội, thì khó có thể lượng hóa hiệu quả. Ngay cả định nghĩa, tiêu chí xác định hiệu quả trong các lĩnh vực này cũng thiên về “định tính”. Trong lĩnh vực giáo dục chẳng hạn, UNESCO định nghĩa: Hiệu quả là khả năng hoạt động tốt hay đạt được các kết quả mà không lãng phí nguồn lực, nỗ lực, thời gian, tiền bạc (sử dụng càng ít nguồn lực càng tốt). Hiệu quả giáo dục có thể được đo bằng các tiêu chí mang tính vật chất (hiệu quả về kỹ thuật) hoặc các tiêu chí về giá thành (hiệu quả kinh tế). Hiệu quả cao hơn nếu đạt được khối lượng và chất lượng dịch vụ giáo dục như nhau nhưng với giá thành thấp hơn hay ngược lại với giá thành như nhau nhưng tạo ra được khối lượng và chất lượng dịch vụ lớn hơn. Từ các quan niệm trên đây có thể suy ra, hiệu quả có thể được đo bằng bốn cách: Mức độ đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra (chưa tính đến các nguồn lực bị tiêu tốn); mức độ nguồn lực cần sử dụng để đạt được mục tiêu xác định, hoặc phối hợp cả hai cách này; ngoài ra, hiệu quả cũng có thể “đo được” bằng cách so sánh các trường hợp, các phương thức khác nhau, cùng để đạt được mục tiêu như nhau nhưng với mức tiêu hao các nguồn lực khác nhau. 


Đối ngoại theo nghĩa rộng là tất cả mọi hoạt động liên quan tới các nhân tố nước ngoài. Các nhân tố đó bao gồm cả tổ chức, cá nhân, nhà nước và phi nhà nước. Đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế, ranh giới địa l ý của hoạt động đối ngoại hầu như không còn hiện hữu. Các hoạt động đối ngoại cũng ngày càng mở rộng, từ nghiên cứu tình hình quốc tế, nghiên cứu các đối tác đến xây dựng và triển khai chính sách trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa đối ngoại, thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và công tác liên quan đến người nước ngoài ở Việt Nam… Chủ thể tiến hành các hoạt động đối ngoại cũng ngày càng đa dạng, không chỉ bao gồm các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Nhưng các chủ thể thực hiện định hướng “nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại” của Đảng trước hết phải là các tổ chức và cá nhân trong bộ máy Đảng, Nhà n ước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong các hoạt động đối ngoại của các chủ thể này. Do đó, để thực hiện thành công định hướng “nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại”, các chủ thể này cần: 

* Ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình 

Quán triệt sâu sắc vị trí của hoạt động đối ngoại trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu, rộng vào khu vực và thế giới. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Trong thời chiến, người lính phải đi đầu trong chiến tranh, bảo vệ đất nước. Trong thời bình, cán bộ ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước”. Nhiệm vụ mà Tổng Bí thư giao cho cán bộ ngoại giao cần được hiểu là nhiệm vụ và mục tiêu của các hoạt động đối ngoại nói chung. Trong thời bình, các hoạt động đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân trên các lĩnh vực và được thực hiện bởi mọi ngành, mọi cấp cần được coi là mặt trận hàng đầu để bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước. Nếu không xác định đúng vị trí của đối ngoại và tiếp đó là đầu tư thích đáng nguồn lực cho đối ngoại th ì không thể nâng cao hiệu quả được. 

Các hoạt động đối ngoại phải xác định rõ mục tiêu theo hướng ngày càng được lượng hóa. Trước hết là đối với các hoạt động như: Ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế; giao lưu với nước ngoài về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tổ chức và quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài (đoàn ra) và đón tiếp các đoàn nước ngoài vào Việt Nam (đoàn vào); tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế. Các mục tiêu đặt ra phải phục vụ thiết thực nhiệm trọng tâm của đối ngoại là: Tạo dựng và duy trì môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển đất nước; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội và nâng cao vị thế của đất nước trên tr ường quốc tế. Việc xác định mục tiêu phải trên cơ sở toàn diện và lâu dài nhưng cũng phải đạt được những mục tiêu trước mắt và cụ thể. 

* Đạt được mục tiêu tối đa với chi phí tối thiểu 

Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, xác định r õ các chi phí cần sử dụng để tiến hành các hoạt động đó. Các chi phí này không chỉ bao gồm các chi phí tài chính mà còn cả các chi phí về thời gian, tâm trí và các chi phí về cơ hội mà nếu không tiến hành các hoạt động này thì chúng ta có thể thực hiện các hoạt động khác. Thông thường, chúng ta quan tâm nhiều đến chi phí tài chính nhưng trong phần lớn các hoạt động, các chi phí phi tài chính còn lớn hơn nhiều các chi phí tài chính. Xác định các chi phí phi tài chính là việc khó nhưng nếu không xác định được thì khó có thể tính toán được hiệu quả. 

K
hi xác định rõ mục tiêu và các chi phí, quyết định lựa chọn các hoạt động đối ngoại cần phải được tiến hành theo nguyên tắc: Đạt được mục tiêu tối đa với chi phí tối thiểu; lựa chọn hoạt động tối ưu trong số các hoạt động cùng thể loại. Liên quan đến vấn đề này, nhiều nước định ra những nguyên tắc rất “cứng”. Ví dụ, Singapore quy định, chỉ xem xét mở sứ quán ở nước nào khi thương mại hai chiều với nước đó đạt 1 tỷ đô la Mỹ trở lên. 

Khi đã tính toán kỹ mục tiêu, chi phí và quyết định triển khai một hoạt động đối ngoại thì việc thực hiện các mục tiêu của hoạt động đó phải hướng tới đích cuối cùng là các mục tiêu về phát triển và bảo vệ an ninh đất nước. Theo đó, quá trình triển khai các kết quả đạt được sau các cuộc đàm phán, ký kết, sau mỗi chuyến trao đổi đoàn hay mỗi cuộc hội thảo cần phải có các cơ quan chủ trì thực hiện, các cơ chế theo dõi, giám sát quá trình thực hiện. Đây là khâu rất quan trọng trong việc bảo đảm hiệu quả. 

Các hoạt động đối ngoại phải được thống nhất quản lý, phải được tiến hành trong sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Không có sự quản lý thống nhất và phối hợp chặt chẽ, không thể giảm thiểu được mức độ trùng lắp. Chỉ riêng việc cử đoàn đi công tác nước ngoài, hàng năm có rất nhiều đoàn được cử đi với cùng nội dung, cùng mục đích và tiếp xúc với cùng nhóm đối tác. Làm như vậy tuy đạt được mục tiêu là tạo cho cán bộ cơ hội tiếp xúc trực tiếp với môi trường quốc tế nhưng lãng phí nguồn lực và điều quan trọng hơn là làm suy giảm hình ảnh của Việt Nam trước con mắt bạn bè. 

Để triển khai thành công định hướng “nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại” của Đảng, cần phải thực hiện rất nhiều việc, từ khâu nghiên cứu xác định rõ các tiêu chí đo hiệu quả đến việc xây dựng các cơ chế thẩm định, quyết định các đề xuất về đối ngoại, triển khai các hoạt động và các kết quả đạt được từ các hoạt động đó. Điều cuối cùng là ý thức trách nhiệm của các cán bộ, các cấp ra quyết định triển khai các hoạt động đối ngoại. Hiệu quả của các hoạt động đối ngoại phụ thuộc trước hết vào điều này./.