Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Cần làm nổi bật các vấn đề theo từng nội dung đề ra

Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Cần làm nổi bật các vấn đề theo từng nội dung đề ra

* Bổ sung phần đánh giá 

Về đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới, dự thảo mới chỉ nêu khái quát sự phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị thế giới và sự ảnh hưởng đến Việt Nam mà chưa khái quát được tình hình kinh tế, chính trị - xã hội Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, vì vậy cần bổ sung phần đánh giá những khó khăn, hạn chế và thành quả đạt được. Khi đánh giá thành tựu 5 năm cần xem xét ở cả 12 tiêu chí như phần nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ và toàn diện, giúp cho các nhận định có sức thuyết phục cao. 

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: TTXVN


Phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết nên bổ sung cụm từ “tăng trưởng kinh tế chưa gắn chặt với công bằng xã hội, tỷ lệ hộ nghèo và khoảng cách giàu nghèo còn cao” vào sau cụm từ “tốc độ tăng trưởng và đời sống nhân dân”. 

“Nhìn lại 30 năm đổi mới” nêu chưa thực sự toàn diện, sâu sắc nên cần phải nêu bật được những thành tựu to lớn, đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế trên cơ sở đó đưa ra bài học kinh nghiệm và phương hướng kèm theo. Hoặc đổi tiêu đề thành “Những bài học kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn 30 năm đổi mới” để phù hợp với nội dung của tiêu đề. Phần đánh giá hạn chế, khuyết điểm về kinh tế, chính trị, xã hội cần được sắp xếp lên trước nội dung hạn chế, khuyết điểm về công tác thực tiễn, nghiên cứu lý luận để nhấn mạnh tầm quan trọng của thực tiễn so với lý luận. 

Dự báo tình hình thế giới và đất nước cần đánh giá sâu sắc hơn, chẳng hạn chỉ ra xu hướng cực đối lập trong bối cảnh thế giới hiện nay, sự lôi kéo giữa các quốc gia về phe cực của mình, những vấn đề ảnh hưởng đến Việt Nam trong thời gian tới và cần khẳng định rõ sự phát triển của khối ASEAN và vai trò đối với các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. 

* Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng 

Để xây dựng Đảng, Thạc sĩ Vũ Thị Bích Thảo cho rằng cần bổ sung thêm một biện pháp, cách làm nữa là thực hiện nêu gương trong tổ chức Đảng, trong cán bộ đảng viên “cán bộ đảng viên nêu gương cho quần chúng, cấp trên nêu gương cho cấp dưới, Trung ương nêu gương cho địa phương”. 

Về tham nhũng, cần chỉ rõ vấn đề tham nhũng nghiêm trọng nhất ở cấp nào, lộ trình đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian tới cần được nêu cụ thể hơn. Phương hướng, nhiệm vụ cần khẳng định “kiên quyết đấu tranh”, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống tham nhũng trong Đảng, chính quyền. 

Về đấu tranh chống tham nhũng cần xác định chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu không chỉ đẩy lùi tham nhũng mà quan trọng hơn là phải củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, củng cố được vai trò lãnh đạo của Đảng. Trọng tâm, then chốt và có tính quyết định hiệu quả chống tham nhũng là công tác cán bộ và chống tham nhũng trong lĩnh vực công tác cán bộ. Ngoài ra các lĩnh vực trọng tâm khác là tài nguyên đất đai, khoáng sản, các lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục, y tế, thực thi pháp luật, các doanh nghiệp nhà nước độc quyền. 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Viện Xây dựng Đảng, trong thời kỳ cách mạng mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo hướng thực sự dân chủ, kỷ cương, thiết thực. Công tác kiểm tra phải góp phần khắc phục được những khuyết điểm mới manh nha, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước, đơn vị kinh tế. Nhiệm vụ khó khăn là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng, suy thoái, biến chất trong Đảng. Bởi vậy, cần “hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả”, đặc biệt “kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng, lãng phí”./.