Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quảng Nam: Kéo dài thời hạn đất sản xuất nông nghiệp ở miền núi

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quảng Nam: Kéo dài thời hạn đất sản xuất nông nghiệp ở miền núi

Tại tỉnh Quảng Nam, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, chuyên gia cũng như đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều ý kiến đề xuất cho thấy tính bức thiết cần phải điều chỉnh, sửa đổi luật để đưa chính sách pháp luật đất đai sát hơn với thực tiễn đời sống…

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quảng Nam: Kéo dài thời hạn đất sản xuất nông nghiệp ở miền núi ảnh 1Luật Đất đai (sửa đổi) được xem là cơ hội để miền núi phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Khánh Nguyên

Những năm gần đây, chủ trương trồng dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng không những là điểm sáng về sinh kế của cư dân miền núi sống dựa vào rừng, mà còn là giải pháp để họ cùng lực lượng bảo vệ rừng chuyên nghiệp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Tại huyện Nam Trà My, nơi đang sở hữu sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu quý, thời gian qua nhờ được bảo tồn và phát triển, đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng; đồng thời giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) làm giàu. Trong đó, đất và thổ nhưỡng được xem là yếu tố quyết định giúp sâm Ngọc Linh phát triển một cách bền vững.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quảng Nam: Kéo dài thời hạn đất sản xuất nông nghiệp ở miền núi ảnh 2Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam chú trọng đến việc giải quyết nhu cầu đất đai, nhất là đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Khánh Nguyên

Theo ông Bh’ling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, đất đai có tác động rất lớn đến các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng của địa phương, nhất là miền núi. Bởi địa bàn miền núi vốn có tính đặc thù rất cao, do đó cần có quy định chi tiết, cụ thể hơn trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. “Trong trường hợp không thể quy định chi tiết trong Luật thì sau khi Luật được thông qua, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn phải chú trọng quy định phạm vi từng loại đất, tính tới yếu tố vùng miền trên cơ sở luật cho phù hợp” - ông Bh’ling Mia nói.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quảng Nam: Kéo dài thời hạn đất sản xuất nông nghiệp ở miền núi ảnh 3Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam quan tâm nhiều đến đất tái định cư, ổn định cuộc sống. Ảnh: Khánh Nguyên

Ông Bh’ling Mia cho rằng, miền núi có những tính chất khác, khó kêu gọi khai thác quỹ đất như vùng đồng bằng nên một số quy định liên quan đến tái định cư phải khác biệt, phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải nâng lên thành một Ban riêng, bổ sung biên chế cho mỗi địa phương, vì thực tế công việc của các đơn vị này rất nhiều, có nơi quá tải.

Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Giang nêu ý kiến, việc thu hồi đất “chỉ thực hiện sau khi hoàn thành quyết định phê duyệt phương án tái định cư và việc giao đất cho người dân không quá 12 tháng”. Với việc quy định cụ thể thời hạn này, triển khai dự án đầu tư công sẽ đảm bảo về thời gian, thủ tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, ông Phương cho hay, tại Điều 128 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất (thỏa thuận về bồi thường). Việc tự thỏa thuận nhưng không nêu rõ hạn mức dẫn đến có nơi người dân yêu cầu thỏa thuận gấp 3, 4 lần giá thị trường, nảy sinh vướng mắc cho dự án. “Phải chia sẻ lợi ích hợp pháp giữa nhà đầu tư và người dân, nhưng việc thực hiện phải có giới hạn mức độ tối đa cho phép, khoảng từ 2,5 đến 3 lần để tạo điều kiện thu hút đầu tư. Nếu trong Luật không quy định, các văn bản dưới Luật nên có hạn mức này để triển khai thực hiện, có định khung giới hạn cụ thể” - ông Phương đề xuất.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quảng Nam: Kéo dài thời hạn đất sản xuất nông nghiệp ở miền núi ảnh 4Từ Luật Đất đai (sửa đổi), người dân kỳ vọng sẽ từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững. Ảnh: Khánh Nguyên

Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Giang đề nghị cần bổ sung vào Khoản 3, Điều 9 đối với nội dung khai hoang, khôi phục, phục hồi đất bị thoái hóa, lấn biển, đưa diện tích mặt nước hoang vào sử dụng phải “được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cho phép”. Việc bổ sung này, theo lý giải của ông Chương, là nhằm thực hiện chủ trương khuyến khích của Nhà nước về khai hoang, hạn chế tình trạng phát nương làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, vi phạm luật thường xảy ra ở miền núi. Bên cạnh đó, tại Điều 80, Chương 6 của dự thảo Luật quy định việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, tại Điểm H có nêu “đất sản xuất nông nghiệp không được sử dụng trong thời hạn 36 tháng liên tục thì bị xử phạt và không đưa vào sử dụng”.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quảng Nam: Kéo dài thời hạn đất sản xuất nông nghiệp ở miền núi ảnh 5Kéo dài thời hạn đất sản xuất nông nghiệp ở miền núi sẽ mở hướng giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, ổn định đời sống mới. Ảnh: Khánh Nguyên

Đây là tình trạng thường xuyên xảy ra ở các huyện miền núi cao, xuất phát từ thời tiết, điều kiện canh tác, tập quán sản xuất của người dân. Có nơi, người dân 4, 5 năm mới quay lại rẫy cũ để canh tác, nếu áp vào quy định này, người dân miền núi sẽ bị ảnh hưởng. “Cử tri miền núi đề nghị kéo dài thời hạn trong khoản này, cụ thể là từ 36 tháng lên 60 tháng để địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, phù hợp tập quán địa phương” - ông Chương nhấn mạnh.

Khánh Nguyên

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm