Y bác sỹ tình nguyện khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách, chương trình, dự án… vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có những bước phát triển theo hướng tích cực, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển sản xuất và đời sống tăng lên. Giai đoạn 2011- 2015, có 3 xã từ khu vực III đã phát triển ngang bằng khu vực I, 30 xã khu vực III phát triển ngang bằng khu vực II và 291 xã được công nhận đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 370 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn... Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Dân tộc - Ủy ban Dân tộc, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển là chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm xác định các khó khăn đặc thù, mức độ phát triển về kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính cấp xã và thôn. Từ đó làm căn cứ hoạch định, tổ chức thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, hiện nay qua nhiều năm triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cả về hệ thống các tiêu chí, tổ chức xác định miền núi, vùng cao, xã thuộc 3 khu vực và cả trong hoạch định, xây dựng và áp dụng các chính sách trên địa bàn. Vì vậy việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình hiện nay là hết sức cần thiết. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án “Tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025”. Góp ý về tiêu chí xác định vùng dân tộc và miền núi, ông Danh Tha, Phó Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho rằng: Đề án nên có tiêu chí xác định thêm thôn dân tộc thiểu số. Riêng thôn dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, xã dân tộc thiểu số biên giới thì nên lấy tiêu chí số lượng người chứ không nên căn cứ theo số hộ như dự thảo hiện nay. Ông Đinh Văn Dũng, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa đề xuất: Nên điều chỉnh rút gọn 3 khu vực thành 2 khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và tập trung đầu tư mạnh vào khu vực III, có như vậy mới tạo được sự chuyển biến nhanh và tập trung. Một thực tế là hiện nay, các tiêu chí chỉ xác định xã dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, còn phường, thị trấn thì không được hưởng lợi mặc dù tỷ lệ người dân tộc thiểu số sống tại các khu vực này đông. Do đó, đề án nên bổ sung có quy định bổ sung phường, thị trấn vào tiêu chí xét. Ở tiêu chí xác định xã dân tộc thiểu số ở đồng bằng đặc biệt khó khăn, các đại biểu cho rằng không nên quy định dưới 50% số hộ dân tộc thiểu số chưa sử dụng điện thoại mà nên thay bằng quy định tỷ lệ người dân sử dụng internet. Các đại biểu đề nghị Ủy ban Dân tộc cân nhắc và đưa ra những tiêu chí phù hợp với tình hình của từng khu vực để không bỏ sót đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số và để chính sách được triển khai thiết thực, giải quyết tỷ lệ hộ nghèo. Trước những góp ý của các đại biểu, Ủy ban Dân tộc sẽ tổng hợp, điều chỉnh đề án và trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hồng Hiếu