Gỡ khó để ngành nuôi biển vươn khơi

Sau lễ phát động, đại diện các đơn vị, người dân thả các giống cá trắm đen, chép, trôi.. ra sông Hồng đoạn qua xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Sau lễ phát động, đại diện các đơn vị, người dân thả các giống cá trắm đen, chép, trôi.. ra sông Hồng đoạn qua xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Nuôi biển hay còn gọi là nuôi trồng thuỷ sản trên biển hiện đang là ngành còn có khá nhiều dư địa phát triển, nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển, góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc. Đây cũng là giải pháp tạo sinh kế cho ngư dân và giảm các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).

Gỡ khó để ngành nuôi biển vươn khơi ảnh 1Đại diện các đơn vị, người dân thả các giống cá trắm đen, chép, trôi.. ra sông Hồng đoạn qua xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN


Trước áp lực tài nguyên trở nên khan hiếm, mất cân bằng để tái tạo, phục hồi tài nguyên, ngành nuôi biển đang được xem là giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực khai thác, xây dựng ngành thuỷ sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Tuy nhiên, để các cá nhân, doanh nghiệp có thể yên tâm vươn khơi đầu tư vào nghề thì cần tháo gỡ nhiều nút thắt.

Gỡ khó để ngành nuôi biển vươn khơi ảnh 2Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu thả trên 6 triệu con tôm giống vào môi trường thiên nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Tuấn Kiệt - TTXVN


Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở Việt Nam khoảng 500.000 ha với các nhóm đối tượng nuôi biển phong phú: cá biển, nhuyễn thể, giáp xác, rong tảo... Năm 2022, tổng diện tích nuôi biển của Việt Nam mới đạt 85.000 ha, 8,9 triệu m3 lồng.

Trong khi đó, Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi đạt 10 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD. Như vậy có thể thấy, con số hiện tại với tiềm năng, mục tiêu cần đạt được thì ngành nuôi biển hiện nay còn quá khiêm tốn.

Để phát triển ngành nuôi biển bền vững, theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, điều kiện tiên quyết là phải giao được mặt nước biển cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, cả nước chưa giao thêm được m2 mặt nước biển nào từ khi đề án được phê duyệt. Tại nhiều địa phương, có nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ, đề án xin được giao mặt nước biển nhưng hiện chủ yếu vẫn nằm trên giấy.

Theo các chuyên gia, nếu không giao được khu vực biển để cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi biển thì việc phát triển nuôi biển thực tế sẽ chỉ đều là quy mô nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Điều này sẽ kéo theo sự đầu tư hạn chế về cơ sở hạ tầng, trình độ kỹ thuật sản xuất nên sản xuất sẽ kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiếu bền vững.

Các mô hình nuôi biển công nghiệp đòi hỏi vốn lớn nên hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp đủ khả năng đầu tư. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, 99% cơ sở nuôi biển là quy mô gia đình, do hộ ngư dân là chủ thể, tự phát, manh mún. Công nghệ lạc hậu và thiếu chuỗi liên kết.

Về vấn đề doanh nghiệp khó thuê được mặt nước biển, ông Nguyễn Hữu Dũng chỉ ra là do vướng về quy hoạch. Hoạt động nuôi biển chỉ được cấp trong khu vực được quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, quy hoạch chung của tỉnh, thành phố chưa có thì làm sao có quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản. Đó là còn chưa kể đến một số tỉnh ven biển còn chưa quan tâm đúng mức đến nuôi biển.

Là doanh nghiệp đầu tư khá sớm và mạnh vào nuôi biển ở Khánh Hòa, đến nay Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong mở rộng mặt nước để phát triển nuôi biển. Doanh nghiệp muốn xin mở rộng diện tích nuôi nhưng do tỉnh chưa có quy hoạch nên doanh nghiệp không thể thuê thêm được.

Ông Hoàng Ngọc Bình - Giám đốc Vận hành Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam cho biết, nhu cầu của doanh nghiệp phải hàng trăm hecta. Bởi khi đầu tư nuôi công nghiệp, nhu cầu mặt nước lớn để đảm bảo mật độ, khoảng cách giữa các trại nuôi, luân chuyển khu nuôi… nhằm đảm bảo tái tạo sinh thái khu nuôi và môi trường.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển, doanh nghiệp này đã đầu tư nuôi thử nghiệm và đang xin phép để đầu tư nuôi dài hạn ở Kiên Giang. Nhưng việc xin đầu tư cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Hoàng Ngọc Bình, khi xin đầu tư nuôi mặt nước, doanh nghiệp đồng thời cũng phải thuê được một số diện tích mặt đất để đầu tư cơ sở hậu cần, kho bãi cho vùng nuôi. Nếu chỉ được một trong hai đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ không thể đầu tư vào nuôi biển.

Chẳng hạn như ở Khánh Hòa, doanh nghiệp thuê được mặt đất đến năm 2043 nhưng khi thuê mặt nước chỉ được cấp tới năm 2023. Nếu không thuê được mặt nước để nuôi thì kho bãi trên mặt đất cũng như bỏ đi. Hiện doanh nghiệp đang xin gia hạn thời gian thuê mặt nước khớp với thời gian thuê mặt đất, nhưng gặp rất nhiều khó khăn do tỉnh chưa có quy hoạch, ông Hoàng Ngọc Bình chia sẻ.

Ở một góc độ khác, Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Phất Cờ, tỉnh Quảng Ninh không có nhu cầu cao trong mở rộng diện tích nuôi vì hiện nay số thành viên của hợp tác xã đã lên tới 32 thành viên. Tuy nhiên, với nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn hiện nay ở địa phương thì người nuôi bên cạnh việc phải tuân thủ theo quy định của tỉnh về vật liệu lồng nuôi thì diện tích nuôi phải được cấp phép đúng quy hoạch.

Theo ông Nguyễn Sỹ Bính - Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Phất Cờ, tỉnh cần sớm phân định rõ vùng nuôi để giao mặt nước những người đầu tư nuôi biển như các thành viên trong hợp tác xã yên tâm đầu tư sản xuất. Nếu nằm trong vùng quy hoạch sản xuất thì các tổ chức, cá nhân sẽ có giấy tờ đầy đủ và dễ dàng tiếp cận vốn vay, các chính sách hỗ trợ; sản phẩm được truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị.

“Người nuôi không nhất thiết phải trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước. Chỉ cần với giấy tờ đầy đủ, họ sẽ dễ dàng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước”, ông Nguyễn Sỹ Bính cho hay.

Còn ở góc độ quản lý ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, nuôi biển là một trong những giải pháp giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia, sinh sống, gắn bó mật thiết với biển. Khi chủ trương “giảm khai thác” được triển khai, thì đồng nghĩa với việc một số lượng ngư dân tham gia đánh bắt trên biển và lực lượng hậu cần trên bờ sẽ mất đi việc làm và sinh kế. Đó chính là đối tượng cần được chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia vào ngành nuôi trồng trên biển và ven biển.

Theo Bộ trưởng, nếu để hoạt động nuôi biển tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát đang tạo ra xung đột giữa nuôi trồng và sự biến dạng tài nguyên tự nhiên. Ngoài ra, còn có sự xung đột lợi ích giữa những người nuôi biển với nhau và giữa cộng đồng nuôi biển với cộng đồng dân cư ven biển do tình trạng ô nhiễm môi trường.

Câu chuyện nuôi trồng không chỉ là giải pháp công nghệ, giải pháp về vốn, giải pháp thị trường, mà còn cả giải pháp tổ chức lại ngành hàng. Chuỗi giá trị ngành hàng nuôi trồng thuỷ sản trên biển bao gồm giống, công nghệ nuôi trồng, kiểm soát dịch bệnh, dinh dưỡng, thu hoạch, bảo quản chế biến, logistics, ứng dụng công nghệ số…

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua, rào cản quản lý đã làm cản trở việc mở rộng giới hạn, tận dụng tiềm năng ngành nuôi biển. Các viện nghiên cứu về nuôi biển cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để hình thành một chuỗi giá trị tham gia thị trường, đưa nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.


Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm