Nông dân huyện Trà Cú thu hoạch mía niên vụ 2018-2019. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN |
Huyện Trà Cú được xem là thủ phủ của cây mía ở tỉnh Trà Vinh. Đây cũng là vùng mía nguyên liệu lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với diện tích gần 5.000 ha. Nông dân huyện Trà Cú đã gắn bó với cây mía từ hàng chục năm qua. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, cây mía cho năng suất và chữ đường cao, mía nguyên liệu bán được giá và khá ổn định nên một thời gian rất dài, cây mía đã đem lại cuộc sống khá sung túc cho hàng ngàn hộ nông dân. Chính từ hiệu quả kinh tế mang lại nên tỉnh Trà Vinh có chủ trương quy hoạch vùng mía nguyên liệu tại huyện Trà Cú, tập trung đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thay đổi giống mới, thu hút đầu tư nhà máy mía đường về tại huyện Trà Cú, nhằm phát triển bền vững vùng mía nguyên liệu, giúp nông dân trồng mía có thu nhập ổn định. Ở thập niên 1990, cây mía đường được trồng trên vùng đất thuộc các xã của huyện Trà Cú như: Lưu Nghiệp Anh, An Quãng Hữu, Thanh Sơn, Tập Sơn, Tân Sơn, Ngãi Xuyên, vùng ven thị trấn Trà Cú, cho năng suất từ 110 – 120 tấn mía cây/ha, bình quân mỗi ha mía cho lợi nhuận từ 120 – 140 triệu đồng. Tuy nhiên, từ niên vụ mía 2016 – 2017, cây mía đường bắt đầu gặp phải “cơn bão” rớt giá, nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Không như những cây trồng khác, mía chỉ trồng được một vụ trong năm. Vì vậy, nếu thất thu một vụ mía xem như cả năm nông dân phải cật lực tìm phương kế khác mưu sinh, chờ đến niên vụ mía năm sau vay vốn để tái sản xuất.
Nông dân huyện Trà Cú thu hoạch mía niên vụ 2018-2019. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Thi, ở xã Lưu Nghiệp Anh đã có thâm niên trồng mía hơn 20 năm cho biết, để trồng 1 ha mía mới, nông dân phải bỏ vốn đầu tư làm đất, mua giống, bón phân, thuê nhân công phụ vun gốc, đánh lá với chi phí gần 50 triệu đồng. Nếu là cây mía lưu gốc thì chi phí đầu tư cũng không mất từ 30 – 35 triệu đồng/ha. Nhưng giá mía nguyên liệu được của niên vụ 2018 – 2019, được Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh thu mua 850 đồng/kg đối với mía đạt 10 chữ đường, thấp gần 100 đồng/kg so với niên vụ 2017 - 2018. Chi phí đầu tư cao, gặp phải tình trạng mía nguyên liệu rớt giá 3 vụ niên vụ liên tiếp nên rất nhiều nông dân trồng mía Trà Cú lâm cảnh nợ nần chồng chất, không còn dám nghĩ đến chuyện tái trồng mía để hy vọng trúng giá. Theo thường niên, ở thời đểm tháng 2 đến tháng 3, vùng mía nguyên liệu Trà Cú đã cơ bản hoàn thành việc xuống giống cho vụ mía mới, nhưng đến đầu tháng 4 này, không khí lao động sản xuất của niên vụ mía mới vẫn “im lìm”. Những cánh đồng mía mới xanh bạt ngàn của ngày nào giờ chỉ là những thửa ruộng mía trơ gốc bỏ hoang, xa xa có một vài diện tích được đào ao nuôi thủy sản, trồng một vài loại cây màu như ớt chỉ thiên, cà chua, khoai môn,… Những hình ảnh ấy cho thấy hầu hết nông dân Trà Cú đã “quay lưng” với cây mía truyền thống, chuyển sang nuôi trồng cây con khác để mưu sinh. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, do thua lỗ từ niên vụ trồng mía 2017 – 2018, nên diện tích mía của niên vụ 2018-2019 của huyện chỉ còn gần 3.600 ha. Nông dân không còn vốn để đầu tư bón phân, chăm sóc, bỏ mặc cây mía cho đất, cho trời nên năng suất chỉ đạt từ 70 đến 75 tấn mía cây/ha, chất lượng cây mía không đạt được 10 chữ đường, nên mía nguyên liệu chỉ bán được với giá 780 đồng/kg. Thêm một mùa sản xuất trắng tay, càng làm cho diện tích mía niên vụ 2019 – 2020 được tái sản xuất giảm thấp, hiện trong toàn huyện Trà Cú chưa vượt qua 400 ha, chủ yếu là diện tích mía lưu gốc. Để có được thu nhập cho gia đình, không bỏ đất hoang, nhiều nông dân đã chuyển đổi sang nuôi trồng các cây con khác. Một số lãnh đạo địa phương ở các xã cũng chấp nhận phá bỏ qui hoạch về vùng trồng mía nguyên liệu của địa phương, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất. Bà Trần Thị Sa Nên, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, vụ mía 2018-2019, trên địa bàn xã có 900ha, giảm khoảng 300ha so với vụ mía 2017-2018. Trước tình trạng nông dân bỏ đất hoang, UBND xã đã đề nghị UBND huyện cho phép xóa bỏ qui hoạch cây mía để chuyển 300 ha mà nông dân bỏ vụ sang trồng lúa ở những vùng đất có đủ nguồn nước tưới, đối với những vùng không thích hợp thì trồng khoai môn hoặc đào ao nuôi cá lóc, tôm thẻ chân trắng… Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ngãi Xuyên chũng cho biết, vì không thể đứng nhìn nông dân bỏ đất hoang rồi lâm vào cảnh nghèo túng nên UBND xã mạnh dạn khuyến nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng. Cụ thể, số diện tích mía nông dân bỏ vụ, nếu nằm ngoài các tuyến đê bao, không chủ động được nguồn nước thì vận động nông dân chuyển sang nuôi thuỷ sản. Đối với số diện tích đất nằm trong đê bao, chủ động được nguồn nước, vận động nông dân trồng các loại màu: ớt, cà chua, dưa leo, khoai môn… Giá trị sản xuất bình quân trên diện mía tích được chuyển đổi của xã ước tính đạt 98 triệu đồng/ha/năm. Ông Võ Văn Đầy, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ngãi Xuyên là người đi đầu trong việc chuyển đất trồng mía sang cây trồng khác. Ông Đầy cho biết, năm 2018, ông quyết định bỏ 0,4 ha mía chuyển sang trồng ớt chỉ thiên. Kết thúc vụ, với giá ớt được bán dao động từ 15.000 – 16.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lời khoảng 30 triệu đồng. Ông Đầy chia sẻ: “Chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác cho hiệu quả kinh tế khá hơn cây mía, nhưng không phải người nông dân nào cũng thực hiện thành công. Bởi, từ trước đến nay, nông dân chỉ biết duy nhất nghề trồng mía, chuyển đổi sang cây con khác họ cần được giúp đỡ về việc chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, cần được tập huấn nắm bắt về kỹ thuật canh tác cây, con mới. Nếu không, sẽ có nhiều gia đình thất bại trắng tay như đã trồng cây mía”. Theo số liệu khảo sát mới nhất của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú vào đầu tháng 4 này, niên vụ mía 2019 - 2020 trên địa bàn huyện có gần 60% diện tích mía nông dân không tái vụ. Theo Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Lê Hồng Phúc, UBND huyện đang chỉ đạo các địa phương và ngành chuyên môn của huyện tập vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất. Những vùng khó khăn về giao thông hoặc thủy lợi sẽ bỏ cây mía, chuyển sang nuôi trồng những loại cây con khác để đảm bảo có thu nhập. Còn những vùng không thể nuôi trồng cây con khác thì sẽ hỗ trợ và vận động nông dân đầu tư cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học để duy trì cây mía đường. Có thể nói đó là một giải pháp cần thiết thực tại nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng hàng ha đất nông nghiệp trồng mía bỏ hoang hiện nay, tránh được hệ lụy phát sinh thêm nhiều hộ nghèo. Thế nhưng, chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, năng lực sản xuất của nông dân, hạ tầng kỹ thuật phục vụ canh tác và thị trường đầu ra của sản phẩm là việc cấp thiết và không thể thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chuyên môn của tỉnh Trà Vinh.
Phúc Sơn